Tên lửa đạn đạo liên lục địa mới của Trung Quốc lần đầu lộ diện
Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), đây là lần đầu tiên, hình ảnh hệ thống ICBM DF-31AG được Trung Quốc hé lộ ngay trước thời điểm nước này chuẩn bị lễ kỷ niệm 90 năm thành lập lực lượng quân đội vào cuối năm nay.
Cụ thể, mô hình hệ thống DF-31AG vốn là phiên bản nâng cấp của DF-31A được trưng bày tại bảo tàng quân đội Trung Quốc ở Bắc Kinh hồi tuần trước. Tầm bắn của DF-31AG được cho tương đương với DF-31A vào khoảng 11.000 km. Với tầm bắn này, DF-31AG có thể vươn tới phần lớn các vị trí nằm trên nước Mỹ và các thủ đô của châu Âu.
Mô hình tên lửa đạn đạo liên lục địa Đông Phong-31AG (DF-31AG) được trưng bày lần đầu tiên tại bảo tàng quân sự Trung Quốc. |
Giới chuyên gia quân sự nhận định, DF-31AG còn hoạt động linh hoạt hơn các hệ thống ICBM khác của Trung Quốc là nhờ phần thiết kế phương tiện chuyên chở kiểu mới. Nói cách khác, xe chở DF-31AG có thể dễ dàng di chuyển trên các địa hình hiểm trở. Trong khi đó, hệ thống chuyên chở DF-31A lại bị giới hạn khả năng di chuyển trên các đoạn đường gồ ghề.
Chuyên gia quân sự tại Macau, ông Antony Wong Dong cho hay, hệ thống tên lửa thế hệ mới DF-31AG của Trung Quốc còn sử dụng các công nghệ dùng trong tên lửa tầm trung như DF-26 và tên lửa tầm xa DF-41. Thậm chí, quân đội Trung Quốc cũng không cần chuẩn bị địa điểm phóng bởi các xe chở DF-31AG có thể dừng lại bất cứ lúc nào để phóng tên lửa mang theo đầu đạn hạt nhân. "Khả năng tồn tại của DF-31AG cũng được tăng lên đáng kể", ông Wang nhấn mạnh.
Những thế hệ tên lửa có khả năng hoạt động linh hoạt cao hiện là mối đe dọa chiến lược lớn so với những tên lửa nằm trong các hầm chứa. Bởi những tên lửa này có thể di chuyển và ẩn nấp dễ dàng để tránh bị vệ tinh và các phương tiện do thám phát hiện, do đó, khó lòng có thể phát hiện dấu vết tên lửa hoặc định vị tấn công trong giao tranh.
Nhà quan sát quân sự tại Bắc Kinh, ông Zhou Chenming nhận định, DF-31AG có thể mang theo cả đầu đạn đơn hoặc nhiều đầu đạn hạt nhân và thậm chí chỉ là một đầu đạn thường cỡ lớn.
Cũng theo ông Zhou, Trung Quốc hiện đang tập trung nghiên cứu các loại tên lửa đạn đạo có thể mang theo cả đầu đạn thường và đầu đạn hạt nhân.
"Chúng ta không còn ở thời Chiến tranh Lạnh, các loại vũ khí cực nguy hiểm như tên lửa hạt nhân không còn là đề tài chính. Chúng tôi vẫn duy trì sức mạnh hạt nhân nhưng khi chúng tôi đối mặt với những mối đe dọa bình thường, chúng tôi sẽ không cần sử dụng tới đầu đạn hạt nhân trong các đợt tấn công mà sẽ sử dụng đầu đạn truyền thống thay thế", ông Zhou nói thêm.
Hồi tháng 5/2016, tờ PLA Daily cũng đã nhấn mạnh việc phát triển các thế hệ tên lửa đất đối đất trang bị cả khả năng tấn công mang theo đầu đạn hạt nhân và đầu đạn thường là "xu thế bất di bất dịch".
Song ông Anthony Wong Dong lại cho rằng, thế hệ tên lửa mới DF-31AG dường như chỉ có thể mang theo một đầu đạn hạt nhân và chuyện thảo luận tên lửa này có thể mang theo đầu đạn thường hay đầu đạn hạt nhân vẫn còn quá sớm.
"DF-31AG sẽ không vượt qua được chức năng của DF-41, loại ICBM có khả năng mang theo nhiều đầu đạn hạt nhân. Tuy nhiên, DF-31AG sẽ được sử dụng cho mục đích khác", ông Anthony Wong Dong chia sẻ.
Cách đây 3 năm, trang web Washington Free Beacon cũng cho hay Trung Quốc đã tiến hành vụ phóng thử đầu tiên loại tên lửa có thể mang theo nhiều đầu đạn hạt nhân dựa trên mẫu DF-31AG hay còn gọi là DF-31B. Về phần mình, chính phủ Trung Quốc không đưa ra bất cứ lời bình luận nào về thông tin trên.