Tất bật chuẩn bị bữa ăn phục vụ người cách ly tại Cổng B ở Hà Tĩnh
Khu cách ly tập trung phòng, chống dịch Covid-19, tại Đội Kiểm soát Hải Quan (thôn Cây Tắt, xã Sơn Tây, huyện Hương Sơn) |
Khu tiếp nhận công dân Việt Nam cách ly tập trung phòng, chống dịch Covid-19, tại Đội Kiểm soát Hải Quan thuộc thôn Cây Tắt, xã Sơn Tây, huyện Hương Sơn (gọi tắt là Cổng B) hiện có 383 người, đó là những lao động đi làm ăn ở Lào và Thái Lan trở về.
Trung tá Lê Duy Quyến, Phó Chỉ huy trưởng, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Hương Sơn, Phó Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tại Cổng B thông tin: "Toàn bộ người cách ly tại đây được nhập cảnh vào Việt Nam vào các ngày 19 và 20/3, qua Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo. Để quản lý và công tác hậu cần, tại đây được huy động 25 quân đội, 23 Công an, 11 Y tế và khoảng 20 người tình nguyện, chủ yếu là Đoàn thanh niên, giáo viên và phụ nữ".
Có mặt tại khu vực nấu ăn, một không khí hết sức rộn ràng, nhộn nhịp. Không ai bảo ai, mỗi người một việc như đã được mặc định sẵn. Khoảng 9h50 phút, công việc chuẩn bị thức ăn đã hoàn tất, mọi thứ đã được cho vào hộp xốp và bọc túi bóng cẩn thận. Đợi đến giờ sẽ cho lên xe ô tô vận chuyển sang khu cách ly tập trung nằm bên kia đường.
Trao đổi với PV, Thiếu tá Nguyễn Khắc Hiển, phụ trách chung bếp ăn tại khu cách ly Cổng B cho biết: “Hàng ngày, vào khoảng 4h30 sáng, anh em bộ đội phục vụ tại đây đã phải dậy rồi. Nhóm đi lấy thực phẩm thì theo xe U oát xuống thị trấn Phố Châu lấy hàng, số ở nhà cũng dậy sửa soạn nấu cơm và chuẩn bị mọi thứ để lực lượng tình nguyện đến làm việc”.
Lực lượng tình nguyện đang sơ chế thức ăn. |
Cũng theo Thiếu tá Hiển, vì số lượng đông nên cơm được nấu bằng tủ điện. Thời gian từ khi nấu đến khi cơm chín và ngon thì phải mất 2 tiếng đồng hồ, nên phải chuẩn bị từ rất sớm mới có cơm để chia, nếu làm muộn sẽ không kịp.
“Ăn trưa xong, anh em chỉ kịp nghỉ ngơi một lát rồi dậy chuẩn bị cho bữa cơm chiều. Muộn nhất 15h là phải có cơm, để 16h30 đến 17h là chuyển cơm sang khu vực cách ly”, Thiếu tá Hiển chia sẻ.
“Nhiều hôm phải đi chợ từ 2 đến 3 chuyến, bởi phải chuẩn bị sẵn một số hàng để sáng sớm ngày mai chị em có mà làm. Nếu sớm dậy mới đi chợ mua thì sẽ muộn mất”, Thiếu tá Hiển nói thêm.
Còn Thượng úy Trịnh Thị Hà, người đứng bếp chính chia sẻ: “Khi mới bước vào, do người nhập cảnh về cách ly đông mà lực lượng phục vụ còn mỏng, chủ yếu là bộ đội nên công việc gặp nhiều khó khăn. Khi có đội ngũ giáo viên, đoàn thanh niên tham gia tình nguyện thì đỡ hơn nhiều”.
Không khí rộn ràng, nhộn nhịp, mỗi người một việc như đã được mặc định sẵn. |
Cũng theo Thượng úy Hà, để kịp có cơm giao vào lúc 10h30 thì khoảng 8h30 là phải có một mẻ nguyên liệu (đầy đủ các món ăn cho một suất ăn - PV) để tiến hành xào nấu. Mỗi loại thức ăn thường chia làm 5 đến 8 mẻ tùy theo, mỗi bữa ăn phải nấu thành 3 đợt để chia 3 tầng.
Là thành viên tình nguyện, và là 1 trong 3 người đứng bếp chính, cô Bùi Thị Mai Hương, giáo viên Trường Mầm non Sơn Diệm (xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn) chia sẻ: “Lực lượng chính vẫn là bộ đội, chúng tôi chỉ hỗ trợ, phụ giúp thôi. Quan trọng là công tác chuẩn bị thực phẩm luôn kịp thời và có hàng rất sớm để đội ngũ tình nguyện bắt tay làm việc”.
“Tôi được anh Phan Xuân Hồng (Nhà báo Xuân Hồng - PV) giao trách nhiệm trực tiếp điều hành lực lượng giáo viên tình nguyện tại đây, nên đã lập danh sách mỗi tốp 10 người để tránh chồng chéo, trình cấp trên xem xét. Được sự động viên của lãnh đạo nên chị em không quản ngại khó khăn hay nề hà vất vả”.
Thuộc lực lượng tình nguyện, nhưng cô giáo Bùi Thị Mai Hương lại “cắm chốt” từ những ngày đầu. Khi số lượng cách ly tăng lên gần 400 người thì cũng là lúc cô Hương có mặt. Từ đó đến nay, đã gần 2 tuần trôi qua, nữ giáo viên mầm non cứ sáng đến tối về một cách chuyên cần và bền bỉ.
Khoảng 9h45 phút, công việc chuẩn bị đã hoàn tất, thức ăn đã được cho vào hộp xốp và bọc túi bóng cẩn thận |
Đặt vấn đề về lực lượng tình nguyện, tham gia làm việc phục vụ cho khu cách ly, chị có băn khoăn gì không? Trả lời câu hỏi, cô giáo Bùi Thị Mai Hương cho biết: “Sau khi tôi đến làm được mấy ngày thì tại đây xuất hiện ca bệnh 146 liên quan đến ca bệnh 122. Lúc này tâm lý có nặng nề đôi chút, tuy nhiên, chúng tôi xác định vẫn tiếp sức cho lực lượng bộ đội nơi tuyến đầu”.
Hôm nay, tham gia cùng lực lượng phục vụ còn có Đoàn thanh niên của hai xã Sơn Tây và Sơn Lễ (mỗi ngày 2 xã, mỗi xã từ 5 đến 7 người). Nói về công việc tình nguyện, anh Phan Sắc Biển, Thường vụ Đoàn xã Sơn Tây cho biết: “Bọn em đến đây là để hỗ trợ nhà bếp. Đầu buổi thì phục vụ chế biến đồ sống, sau đó thì tham gia chia cơm, chia canh và cuối buổi thì vận chuyển lên xe để bộ đội đưa sang phát cho công dân cách ly”.