Tập đoàn, tổng công ty đổ vỡ sao Bộ lại vô can?
Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Doãn Khánh nêu quan điểm trên khi TVQH bàn bạc, cho ý kiến về Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) sáng 11/7.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển, cái khó nhất hiện nay là làm sao để lượng hóa được lãng phí. Tham nhũng có thể xử lý được, nhưng lãng phí trông thấy đấy nhưng không xử lý được ai.
Cái khó nữa theo ông Hiển là thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong nhân dân thế nào. Những lĩnh vực thuộc về cá nhân, ví như vấn đề lễ hội, ma chay, cưới hỏi… chỉ là tự nguyện nhưng lại tác động đến xã hội nên cần phải xem xét.
Đất đai trồng hoa màu bị thu hồi rồi bỏ hoang cũng là một kiểu lãng phí rất phổ biến. Ảnh minh họa. |
Tuy nhiên ông Hiển cũng cho rằng không thể đề cập hết được các lĩnh vực mà chỉ nên đi vào một số lĩnh vực gây tác động đến cộng đồng. Ngoài ra một số điểm có thể giao cho chính quyền địa phương hoặc chính phủ quy định cụ thể cho phù hợp.
Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai thì nhận định, cơ chế công khai, minh bạch là điểm rất quan trọng để chống lãng phí. Bà Mai dẫn chứng: “Mấy năm trước NSNN hoàn toàn bí mật nhưng giờ đã công khai. Nợ công, nợ xấu cũng công khai hết. Trừ một số lĩnh vực phải bí mật, còn lại phải công khai hết có được không?”.
Trong lĩnh vực phụ trách, bà Mai cho biết: "Quỹ BHYT sắp tới sẽ phải công khai. Vì quỹ BH do dân đóng góp nên cần công khai, minh bạch xem anh sử dụng thế nào. Hay quỹ xăng dầu vừa rồi thực hiện công khai cũng là điều đáng hoan nghênh".
“Tôi đề nghị phải công khai 3 yếu tố: mục đích sử dụng, mức độ quyên góp và mức độ xử lý khi huy động nguồn lực từ người dân chứ không nên công khai theo tính chất động viên. Ví dụ như MTTQ quyên góp cho người nghèo phải công khai mỗi năm quyên góp được bao nhiều” – bà Mai nói.
Với phạm vi đề cập rộng như trong dự thảo, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cũng đồng tình với quan điểm chỉ nên kiểm soát 2 vấn đề là NSNN và ngân sách huy động từ nhân dân.
Ông Ksor Phước kiến nghị: “Đến lúc cần sằng phẳng công khai minh bạch, ai vi phạm đều phải bị xử lý. Trước khi bỏ phiếu tín nhiệm phải công khai lỗi của từng người để QH trừ điểm. Luật đưa ra phải để dân tin, đồng tình và ủng hộ chúng ta”.
Trước các ý kiến đưa ra trong việc vận động thực hành tiết kiệm, Phó Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha cho rằng, việc vận động của MTTQ có tác dụng thiết thực, hiệu quả nhưng chỉ có tác dụng với người nghèo chứ không có tác dụng với người giàu.
Ngoài ra phía MTTQ cũng đề nghị chỉ nên “khoanh vùng” vào vấn đề tài chính, tài sản công, còn một số lĩnh vực khác như y tế, giáo dục để luật chuyên ngành làm, không nên mở rộng, càng mở càng mang tính khẩu hiệu mà không xử lý được ai.
Cùng nhấn mạnh đến vấn đề sử dụng tài chính công, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Doãn Khánh đề nghị việc gây lãng phí nghiêm trọng cần phải có chế tài xử lý. Ông còn đề cập đến trách nhiệm của người tham mưu cơ chế chính sách, không phù hợp dẫn tới lãng phí. Ngoài ra đối với các Bộ, ngành, địa phương có quyền về sử dụng ngân sách nên cần phải quy trách nhiệm vào trong luật.
Đề cập đến vấn đề xử lý vi phạm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng lâu nay chưa xử lý được dù có tiến hành thanh tra, kiểm tra. Bởi vậy phải làm rõ hơn chế tài người đứng đầu khi để xảy ra lãng phí. "Nếu không làm vậy thì luật ban hành sẽ không có hiệu lực, và thực tế nó đang không có hiệu lực thật!" - ông Dũng nói.