Tăng trưởng 7,6% trong 6 tháng cuối năm: Khó khả thi!
![]() |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc |
Sáng nay (29/7), Quốc hội đã nghe Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2016, các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2016.
Theo đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc báo cáo về một số kết quả tích cực đã đạt được của nền kinh tế - xã hội trong 6 tháng đầu năm như: Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; Chỉ số giá tiêu dùng tăng 2,35%; Tín dụng tăng 8,16%; Tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định, dự trữ ngoại tệ đạt mức cao nhất từ trước đến nay; Xuất siêu 1,54 tỷ USD; Thu NSNN tăng 6,1%; Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 11,7%; Vốn FDI đăng ký đạt 11,3 tỷ USD, vốn thực hiện tăng 15,1% ; Vốn ODA ký kết mới tăng 61%.
“GDP tăng 5,52%, trong đó khu vực dịch vụ tăng 6,35% (cùng kỳ tăng 5,86%). Công nghiệp chế biến chế tạo tăng 10,1%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,5%. Khách quốc tế tăng 21,3%. Cả nước có thêm 439 xã và 8 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số lên 1.965 xã (chiếm 22% tổng số xã) và 23 đơn vị cấp huyện....” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nhấn mạnh, chúng ta cũng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức như nợ công cao, áp lực trả nợ lớn, việc sử dụng vốn đầu tư còn kém hiệu quả, nợ đọng xây dựng cơ bản lớn, bội chi NSNN liên tục ở mức cao trong nhiều năm, cơ cấu chi NSNN còn bất hợp lý, xử lý nợ xấu còn chưa thực chất và gặp nhiều khó khăn, hoạt động của doanh nghiệp nhà nước gặp nhiều khó khăn, hiệu quả thấp....
"Kỷ luật kỷ cương trong bộ máy hành chính và trong xã hội chưa nghiêm; năng lực, phẩm chất của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu. Tình trạng tham nhũng còn nghiêm trọng, xảy ra nhiều vụ tham nhũng lớn trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, đầu tư, xây dựng, đất đai... Việc kê khai tài sản còn hình thức, giám sát, kiểm tra, thanh tra hiệu quả thấp. Lãng phí trong cơ quan nhà nước và toàn xã hội còn lớn. Kết quả giải quyết khiếu nại tố cáo còn hạn chế, vẫn còn nhiều vụ khiếu nại tố cáo đông người" - Thủ tướng báo cáo trước Quốc hội.
Khó khăn, thách thức và diễn biến mới xuất hiện
Ngay sau báo cáo của Thủ tướng Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2016, các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2016.
Nhất trí với báo cáo của Chính phủ, Uỷ ban Kinh tế nhận định, trong 6 tháng đầu năm 2016, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức hợp lý, lãi suất, tỷ giá tương đối ổn định. Số doanh nghiệp đăng ký mới, doanh nghiệp khó khăn phải tạm ngừng hoạt động quay trở lại hoạt động tăng cao hơn cùng kỳ.
Các lĩnh vực lao động, việc làm, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội đạt nhiều kết quả tích cực. Cơ sở vật chất và công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân có bước cải thiện, ngành y tế tiếp tục thực hiện lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế. Việc tiếp tục đổi mới kỳ thi trung học phổ thông quốc gia được phối hợp tổ chức chặt chẽ, tiết kiệm chi phí cho xã hội. ...
Tuy nhiên ông Vũ Hồng Thanh cũng nêu ra những vụ việc còn tồn tại: "Sự cố ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại vùng biển các tỉnh duyên hải miền Trung, tình hình khí hậu diễn biến bất thường, rét đậm ở phía Bắc, hạn hán ở Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, xâm nhập mặn ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất và đời sống người dân. Các vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm như sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không đảm bảo quy chuẩn trong chăn nuôi, trồng trọt; sử dụng phụ gia, hoá chất độc hại trong sản xuất, chế biến, bảo quản, kinh doanh lương thực, thực phẩm, đồ uống và kinh doanh dịch vụ còn khá phổ biến".
Ngoài ra, ông Thanh cũng phân tích, theo Nghị quyết của Quốc hội, năm 2016 GDP tăng 6,7%, kết quả thực hiện 6 tháng đầu năm chỉ đạt 5,52%, thấp hơn so với mức tăng 6,32% cùng kỳ năm trước. Để đạt mức tăng trưởng 6,7% năm 2016, 6 tháng cuối năm phải tăng xấp xỉ 7,6%, đây là mức tăng khó khả thi, nhất là trong bối cảnh không thể nới lỏng chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa trong 6 tháng cuối năm.