Tăng thu ngân sách còn phụ thuộc vào các nguồn thu ngắn hạn
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Ngân sách Vũ Hồng Thanh |
Ngân sách năm 2018: Tăng thu phụ thuộc nhiều vào nguồn thu ngắn hạn
Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh cho hay, tại Kỳ họp thứ 6, Chính phủ đã báo cáo ước thực hiện cả năm 2018 (04 chỉ tiêu đạt và 08 chỉ tiêu vượt mục tiêu). Đến nay, đánh giá lại cơ bản đạt kết quả tốt hơn, đã hoàn thành 12/12 chỉ tiêu Quốc hội giao, tăng thêm 01 chỉ tiêu vượt kế hoạch, 06 chỉ tiêu thực hiện tốt hơn so với kết quả đã báo cáo Quốc hội.
Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế đề nghị đánh giá cụ thể hơn một số vấn đề. Đó là tình hình thu-chi ngân sách nhà nước có chuyển biến tích cực, tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng: Kết quả thực hiện thu ngân sách năm 2018 còn thiếu tính bền vững, việc tăng thu phụ thuộc nhiều vào các nguồn thu ngắn hạn; chất lượng công tác phân tích dự báo về ngân sách nhà nước còn chậm được cải thiện; số chuyển nguồn vốn đầu tư công khá lớn.
Công tác thực hiện cơ chế tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập còn chậm, có thể gây khó khăn, bị động trong quá trình tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo lộ trình. Đề nghị Chính phủ làm rõ tình hình tồn ngân Kho bạc Nhà nước và biện pháp sử dụng hiệu quả nguồn vốn này cũng như các biện pháp cơ cấu lại hệ thống quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách.
Số lượng và quy mô vốn bình quân của doanh nghiệp thành lập mới đều tăng, tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh, ngừng hoạt động hoặc giải thể tăng cao, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp vừa và lớn, doanh nghiệp ở các vùng có điều kiện kinh tế-xã hội còn khó khăn.
Việc kết nối giữa các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cũng chưa thực sự hiệu quả; tình trạng chuyển giá, lỗ giả lãi thật, trốn thuế, gây thất thu ngân sách của một số doanh nghiệp vẫn còn tồn tại; cần đánh giá toàn diện chính sách ưu đãi đầu tư với doanh nghiệp FDI, từ đó hoàn thiện chính sách về FDI.
Chất lượng, chi phí và thanh quyết toán kinh phí khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế cần tăng cường kiểm soát chặt chẽ; một số dịch bệnh vẫn tiềm ẩn nguy cơ cao; tình trạng mất cân bằng giới tính chậm được cải thiện”, ông Thanh nhấn mạnh.
Ngoài ra, thu NSNN tuy đạt kết quả tích cực, chi NSNN cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đề ra. Tuy nhiên, ông Vũ Hồng Thanh cũng lưu ý, “hoạt động tín dụng đen vẫn diễn biến rất phức tạp, gây ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, làm mất trật tự an ninh xã hội trong khi công tác quản lý hoạt động này còn bất cập”.
Về phát triển cơ sở hạ tầng (kết cấu hạ tầng giao thông tiếp tục có một số cải thiện), tuy nhiên các công trình trọng điểm chưa tạo ra “cú hích” cho nền kinh tế trong ngắn hạn và gia tăng năng lực sản xuất trong dài hạn. Đặc biệt một số dự án giao thông quan trọng quốc gia vẫn chậm trong khâu giải ngân, triển khai thực địa.
Hệ thống giao thông kết nối TP.HCM với các tỉnh lân cận chậm được cải thiện, gây tắc nghẽn giao thông, giảm tác động lan tỏa trong phát triển; tiến độ xử lý các vướng mắc liên quan đến các dự án BOT, minh bạch trong quản lý thu phí, thay đổi phương thức quản lý trong bối cảnh ứng dụng công nghệ hiện đại, thu phí tự động không dừng… triển khai còn chậm, Ủy ban cũng yêu cầu cần được Chính phủ làm rõ.
Cần xử lý và sử dụng hiệu quả tồn ngân Kho bạc Nhà nước
Năm 2019 có ý nghĩa quan trọng trong việc “bứt phá” để hoàn thành các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020. Bên cạnh các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Kinh tế cơ bản đồng tình với các nhóm giải pháp nêu trong báo cáo của Chính phủ và đề nghị quan tâm thêm một số nhiệm vụ, giải pháp.
Cụ thể, cần giảm bớt thủ tục hành chính một cách thực chất, mạnh mẽ hơn, xử lý nghiêm các sai phạm trong tất cả các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực đầu tư, xây dựng và giao thông. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, phối hợp giữa các Bộ, ngành và các cơ quan quản lý.
Khuyến khích sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân để đầu tư, xây dựng các dự án quan trọng quốc gia. Đồng bộ hóa các giải pháp thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển.
Tập trung thực hiện các giải pháp, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm quốc gia. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế, tránh để xảy ra tình trạng thất thu; kiểm soát chuyển giá, trốn thuế đối với doanh nghiệp; có giải pháp quản lý thuế thực sự hiệu quả đối với hoạt động kinh doanh qua mạng.
Triển khai thanh toán không dùng tiền mặt; kiểm soát, phòng ngừa các hoạt động thanh toán có dấu hiệu đánh bạc, rửa tiền, trốn thuế. Quản lý tồn ngân Kho bạc Nhà nước và có cơ chế sử dụng số vốn nhàn rỗi này. Rà soát, sắp xếp lại các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách theo hướng tinh gọn, hiệu quả.
Chính phủ cũng cần ưu tiên vốn ngân sách nhà nước cho chương trình giảm nghèo và thực hiện chính sách hỗ trợ đối với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa và hải đảo. Đẩy nhanh việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với đơn vị sự nghiệp công lập...