Tăng cường nhập thuốc Tamiflu, Cục Quản lý Dược khuyến cáo gì?
Bác sĩ Phạm Thị Ngoan - Phòng tiêm chủng tư vấn cho bệnh nhi. |
Hiện nay, số lượng thuốc Tamiflu 75mg tồn kho tại công ty phân phối là 1.720 viên. Cục Quản lý Dược đã điều động 1.000 viên thuốc Tamiflu 75mg cho Bệnh viện Nhi Trung ương.
Lô hàng nhập khẩu 50.000 viên thuốc Tamiflu dự kiến được nhập khẩu về Việt Nam vào ngày 26/12/2019.
Lô thuốc Tamiflu tiếp theo khoảng 140.000 viên 75mg sẽ tiếp tục được nhập khẩu về trong tháng 01/2020.
Cục Quản lý Dược đề nghị người dân không tự ý điều trị, chỉ sử dụng thuốc Tamiflu khi được bác sĩ kê đơn. Việc tự sử dụng thuốc không theo đơn của bác sĩ sẽ không đảm bảo an toàn và gây kháng thuốc. Người dân khi có triệu chứng bệnh cúm cần đến các cơ sở khám chữa bệnh để được các bác sĩ khám bệnh và căn cứ vào mức độ bệnh theo hướng dẫn, điều trị và chẩn đoán mắc bệnh cúm mùa, nếu cần thiết mới kê đơn thuốc điều trị.
Trước tình hình dịch cúm có nguy cơ gia tăng hơn nữa. PGS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế khuyến cáo người dân không nên mua thuốc Tamiflu dự trữ trong nhà. PGS Khuê khuyến cáo tiêm chủng là cách tốt nhất phòng cúm đặc biệt là người bị bệnh mãn tính, bệnh hen xuyễn, trẻ nhỏ.
Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Phạm Thị Ngoan – Trưởng phòng tiêm chủng, Bệnh viện đa khoa An Việt cho biết, hiện nay có 3 chủng vi rút cúm được ký hiệu là A, B, C. Trong đó chủng cúm A và B hay gặp ở người và là nguyên nhân chủ yếu gây ra bệnh trong thực tế.
Cúm A có khả năng gây bệnh trên người và một số động vật khác như các loài chim, heo, ngựa...Virus cúm A là một trong hai tác nhân gây bệnh cúm mùa hàng năm và là nguyên nhân của nhiều đại dịch lớn trên thế giới. Cúm B gây bệnh nhẹ hơn và chỉ gây bệnh trên người. Virus cúm B cũng là nguyên nhân của bệnh cúm mùa và có xu hướng lưu hành cùng với cúm A trong các đợt bùng phát hàng năm. Cúm C gây bệnh nhẹ và chỉ gây bệnh lẻ tẻ trên người, không gây dịch.
Cúm mùa là một bệnh nghiêm trọng với các triệu chứng sốt, nhức đầu, mệt mỏi, đau cơ, chán ăn, sổ mũi, ho khan, đau họng. Khi các triệu chứng này nặng hơn cũng là lúc cúm mùa sẽ gây ra những biến chứng đáng tiếc, thậm chí gây viêm phổi nặng, suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong.
Hiện nay, vắc xin cúm được áp dụng cho các đối tượng từ 6 tháng tuổi trở lên. Đây là loại vắc-xin không hoạt động, có nghĩa là nó được tạo ra bằng cách sử dụng một loại virus chết, khi thuốc tiêm vào cơ thể sẽ sản xuất kháng thể kháng lại virus. Những người từ 18 - 64 tuổi có thể lựa chọn tiêm phòng cúm bằng mũi tiêm trong da. Mũi tiêm này sử dụng kim tiêm nhỏ hơn bình thường và đi vào lớp trên cùng của da thay vì cơ. Các vắc xin nói chung là an toàn.
Sau tiêm, bác sĩ Ngoan cho biết mất khoảng 2 tuần để vắc xin cúm bắt đầu hoạt động, vì vậy nếu bạn được bảo vệ đầy đủ thì nên đi tiêm phòng càng sớm càng tốt. Tiêm vắc xin phòng ngừa giúp tạo ra kháng thể bảo vệ cơ thể trước sự tấn công của virus cúm. Khả năng phòng cúm sau khi tiêm vắc xin phòng bệnh đạt tới 96-97%.
Người đã tiêm phòng nếu mắc cúm có thể giảm nhẹ hơn các triệu chứng, nguy cơ các biến chứng nặng và thời gian bị bệnh ngắn hơn so với người chưa tiêm vắc xin phòng bệnh.
Đặc biệt ở phụ nữ có thai, việc tiêm vắc xin ngừa cúm trước khi mang thai có tác dụng rất lớn, giúp bảo vệ cho cả mẹ và bé trong suốt thai kỳ và những tháng đầu sau sinh bởi kháng thể “mẹ truyền cho con” có thời gian tồn tại kéo dài tới 9 đến 12 tháng.
Thông thường, vắc xin cúm theo mùa sẵn có từ tháng 9 đến mùa xuân.
Những người được bác sĩ khuyến cáo nên tiêm phòng cúm đó là bệnh nhân bị bệnh tiểu đường và các rối loạn nội tiết khác, động kinh, bệnh về thận hoặc tổn thương thận, bệnh tim mạch, người có hệ thống miễn dịch suy yếu do một số bệnh hoặc sau điều trị bệnh. Trẻ nhỏ trên 6 tháng tuổi trở lên.