Tăng 4 bậc, Bộ TT&TT vào Top 3 bộ, cơ quan ngang bộ dẫn đầu về ứng dụng CNTT
Nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng phát biểu tại sư kiện. |
Báo cáo đánh giá mức độ ứng dụng CNTT của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2018 (Báo cáo ứng dụng CNTT của cơ quan nhà nước năm 2018) vừa được công bố hôm nay (ngày 25/4/2019), trong khuôn khổ tọa đàm “Phát triển Chính phủ điện tử do Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT) và Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) phối hợp tổ chức tại Hà Nội.
Trong phát biểu tại sự kiện, nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng, Chủ tịch VDCA cho biết, đây là năm thứ hai Hội phối hợp với Cục Tin học hóa tổ chức tọa đàm và công bố kết quả đánh giá về mức độ ứng dụng CNTT, phát triển Chính phủ điện tử của các bộ, ngành, địa phương.
Cũng theo chia sẻ của ông Hồng, cách thức đánh giá trong báo cáo này đã được Bộ TT&TT nghiên cứu rất kỹ từ các phương thức đánh giá về ứng dụng CNTT, phát triển Chính phủ điện tử của các tổ chức quốc tế, đặc biệt là đã nghiên cứu, tiếp cận cách thức đánh giá của báo cáo Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử (EGDI) do Liên hợp quốc thực hiện với các quốc gia, vùng lãnh thổ là thành viên tổ chức mình.
“Do đó, báo cáo này có thể coi như Báo cáo Chỉ số Vietnam Government Index để đánh giá mức độ ứng dụng CNTT, phát triển Chính phủ điện tử của các bộ, ngành, địa phương trong từng năm”, ông Hồng cho hay.
Ông Lê Quốc Hưng, Trưởng phòng Thông tin và dịch vụ công trực tuyến, Cục Tin học hóa - Bộ TT&TT công bố Báo cáo đánh giá mức độ ứng dụng CNTT của các cơ quan nhà nước năm 2018. |
Hiện kết quả đánh giá xếp hạng ứng dụng CNTT của các cơ quan nhà nước năm 2018 đã được Cục Tin học hóa – Bộ TT&TT đăng tải công khai trên website của Bộ (mic.gov.vn) và website của Cục Tin học hóa (aita.gov.vn).
Theo Cục trưởng Cục Tin học hóa Nguyễn Thành Phúc, Báo cáo ứng dụng CNTT của cơ quan nhà nước năm 2018 được xây dựng trên kết quả tổng hợp, kiểm tra, đánh giá của Bộ TT&TT từ báo cáo ứng dụng CNTT, phát triển Chính phủ điện tử của các bộ, ngành, địa phương.
Công tác đánh giá được thực hiện theo 3 nhóm cơ quan, đơn vị (các Bộ, cơ quan ngang Bộ; cơ quan thuộc Chính phủ; các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương), với 6 hạng mục gồm: Hạ tầng kỹ thuật CNTT; Ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan; Trang/Cổng thông tin điện tử; Cung cấp dịch vụ công trực tuyến;
Cơ chế, chính sách và quy định cho ứng dụng CNTT; Nhân lực cho ứng dụng CNTT. Mỗi hạng mục được kiểm tra, tính điểm, tổng điểm của các hạng mục đƣợc sử dụng để xếp hạng tổng thể cho cơ quan.
Chỉ số tổng thể mức độ ứng dụng CNTT của các Bộ, cơ quan ngang Bộ năm 2017-2018 (Nguồn ảnh: Báo cáo của Cục Tin học hóa) |
Cụ thể, kết quả đánh giá, xếp hạng mức độ ứng dụng CNTT cơ quan nhà nước năm 2018 cho thấy, ở nhóm các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Bộ Tài chính tiếp tục là đơn vị dẫn đầu trong 19 Bộ, ngành về ứng dụng CNTT. Có sự tiến bộ vượt bậc, tăng tới 15 bậc so với xếp hạng năm 2017, Bộ Công Thương vươn lên vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng.
Là cơ quan đứng ở vị trí thứ 3/19 Bộ, ngành, với việc đạt 0,781 điểm, tăng hơn 0,133 điểm, Bộ TT&TT đã tăng thêm 4 bậc so với đánh giá năm 2017, nhờ đã có những cải thiện trong các chỉ số thành phần: hạ tầng kỹ thuật CNT, ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan, cung cấp dịch vụ công trực tuyến và nhân lực cho ứng dụng CNTT
Chỉ số tổng thể mức độ ứng dụng CNTT của các cơ quan thuộc Chính phủ năm 2017-2018 (Nguồn ảnh: Báo cáo của Cục Tin học hóa) |
Với nhóm 7 cơ quan thuộc Chính phủ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục giữ vị trí số 1. Hai vị trí thứ 2 và thứ 3 trong đánh giá, xếp hạng ứng dụng CNTT trong 2 năm gần đây là sự hoán đổi giữa Thông tấn Xã Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam. Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu tham gia đánh giá, xếp hạng và hiện đang xếp ở vị trí cuối trong 7 cơ quan thuộc Chính phủ.
11 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về ứng dụng CNTT trong năm 2018. |
Đối với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng đã “soán ngôi” của Thừa Thiên - Huế để trở thành đơn vị đi đầu cả nước về ứng dụng CNTT năm 2018. Thừa Thiên - Huế tụt 1 bậc so với năm 2017, xếp vị trí thứ hai, tiếp đó lần lượt là Quảng Ninh, Bình Dương, Lâm Đồng.
Trong khi đó, TP.HCM giảm 2 bậc, xếp ở vị trí thứ 7/63 tỉnh, thành phố, Hà Nội đã vươn lên xếp ở vị trí thứ 11, tăng 1 bậc so với đánh giá năm 2017.