Tân trang vùng kín: Những nguyên tắc cần nhớ!
Khóc cả tuần vì đau
Chị Nguyễn Mai H. 25 tuổi, trú tại Thanh Xuân Trung, Hà Nội vẫn rùng mình khi nghĩ lại ca phẫu thuật sửa chữa “cô bé” sau sinh của chị. Chị H. lấy chồng từ năm 22 tuổi và chị sinh con lỡ kế hoạch. Bé trai mới được 15 tháng, chị sinh luôn một cô con gái nữa. Đẻ dày nhưng chị H vẫn vui vì có bố mẹ hai bên hỗ trợ.
Chỉ khổ cái là trong chuyện chăn gối hai vợ chồng chị đều rơi vào trạng thái “lãnh cảm”. Chồng chị hơn chị 2 tuổi nên nhu cầu vẫn cao, còn chị mới 24 tuổi nên lúc nào cũng lo mình già trước chồng.
Chuyện chăn gối nguội lạnh khi mà chồng chị than chỗ đó lỏng lẻo, không còn hứng thú. Còn chị lại tự ti hơn khi sinh con thứ hai bị rạch tầng sinh môn sâu và dù được khâu lại nhưng vẫn rất mất thẩm mỹ. Chị H quyết định đi phẫu thuật để “tái tạo” lại vùng kín.
Sau khi hai vợ chồng bàn bạc và đi bác sĩ tư vấn. Chị H lên bàn phẫu thuật để làm mới mình. Khi phẫu thuật chị không có cảm giác đau đớn, chị nghĩ biết thế này chị đi sửa sang từ mấy tháng trước để khỏi rơi vào trạng thái mệt mỏi, lãnh cảm sớm như thế.
Nhưng không ngờ, khi hết thuốc gây tê, chị H cảm giác vô cùng đau khiến chị nước mắt lã chã rơi. Chồng chị cố an ủi vợ thì chị lại càng khóc to. Chị kể cảm giác đẻ hai đứa con cũng không đau buốt như thế.
Ba ngày đầu, chị về nhà đau quá đêm không ngủ được lại sốt đùng đùng. Chị H kể, chỉ ngồi thôi cũng đau đến mức cả nhà chị đều sốt ruột mà không biết vì sao chị lại bị như thế. Bố mẹ chồng cứ đòi đưa chị đi bác sĩ nhưng vì xấu hổ nên chị đành chịu. Cứ uống giảm đau và đút hậu môn đỡ được chút rồi lại đau. Vết khâu thì sưng lên như con sâu, có rỉ mủ trắng nên đi lại khó nên nằm luôn trong phòng, cơm mẹ chồng mang lên phòng giúp, chiều chồng đi làm về phục vụ.
Khi đau quá chị chỉ ngồi khóc, chồng đã bế vợ từ nhà trong ngõ ngách đường để bắt tắc xi đưa vào viện khám. Bác sĩ cho biết bị nhiễm trùng và phải xử lý nhiễm trùng lúc này còn khổ hơn.
Chị H kể, chị đau đớn đúng mất nửa tháng, mắt thâm đen vì mất ngủ, da sạm vì đau và gầy đi. Đến 20 ngày mới khỏe lại được. Chị H. bán hàng tự do nên không phải đi làm, có thời gian tĩnh dưỡng ở nhà. Hai tháng sau chị mới dám “yêu” lại. Chồng chị còn đùa chỉ có thẩm mỹ một chút mà kinh khủng hơn cả ở cữ. Cứ nghĩ đến những ngày đó chị H lại rùng mình.
Khi nào nên phẫu thuật vùng kín?
Theo bác sĩ Trần Vũ Quang – Bệnh viện Phụ sản Trung ương, phẫu thuật thu nhỏ âm đạo là thủ thuật tạo hình nhằm phục hồi lại kích thước, hình dạng và chức năng âm đạo. Đây là một dạng tiểu phẫu giúp thu hẹp âm đạo. Bác sĩ sẽ tiến hành kết nối các cơ âm đạo với nhau và loại bỏ những vùng da bị chùng, nhão. Phương pháp này có thể được thực hiện bởi bác sĩ sản phụ khoa và bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ.
Ưu điểm của phương pháp này là sử dụng được trong những trường hợp âm đạo giãn rộng, các phương pháp khác khó có thể cải thiện được. Đồng thời, bạn có thể yêu cầu tạo hình theo mong muốn từ sâu trong âm đạo ra phía ngoài âm hộ chỉ sau một lần làm.
Tuy nhiên, phẫu thuật thu hẹp âm đạo cũng tiềm ẩn những nguy cơ nghiễm trùng, chảy máu, tai biến gây tê của thủ thuật. Cảm giác đau hoặc khó chịu sau phẫu thuật kéo dài khá lâu.
Hiện nay, ở một số cơ sở y tế đã có phương pháp thu hẹp âm đạo công nghệ cao sử dụng tia laser ưu việt nhất hiện nay với ưu điểm không đau, không cần phẫu thuật, không gây biến chứng, phục hồi nhanh, không cần kiêng khem và kết quả duy trì lâu dài.
Khi chọn phương pháp thu hẹp "vùng kín" bằng phẫu thuật hay sử dụng tia laser, chị em chú ý cần cẩn trọng trong việc chọn cơ sở an toàn, uy tín để tiến hành tránh bị các tai biến sau phẫu thuật như viêm phụ khoa, vùng kín quá nhỏ do bác sĩ thu hẹp quá tay, "cô bé" bị mất cảm giác.
Chị em cần tìm hiểu và tham khảo ý kiến của những người đã từng phẫu thuật để đến được địa chỉ uy tín và gặp được bác sĩ có tay nghề chuyên môn giỏi.