Tân Tổng thống Mỹ sẽ cư xử như thế nào với Nga?
Các ứng viên của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa chắc chắn không thể bỏ qua mối quan hệ với Nga trong chiến dịch vận động tranh cử của mình. Vậy nước Nga có ý nghĩa như thế nào đối với từng ứng viên Tổng thống Mỹ?
Bernie Sanders
Ông Sanders là một ứng viên cánh tả rõ ràng trong các cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ kể từ những năm 1970. Ông đã kêu gọi cải cách căn bản, gồm miễn phí dịch vụ y tế và giáo dục và đánh thuế thu nhập lên đến 70% đối với giới giàu có.
Tuy nhiên, về chính sách đối ngoại, ông Sanders lại không quá cấp tiến như vậy. Ông không có ý định giải tán NATO hay cấm vũ khí hạt nhân. Ông Sanders đề xuất một cách thức can thiệp tự do, có nghĩa là Mỹ nên đóng một vai trò tích cực hơn trên trường quốc tế nhưng đầu tiên phải thông qua ngoại giao, chứ không phải chiến tranh.
Bernie Sanders có mối quan hệ lâu dài với Nga. |
Bernie Sanders có một mối quan hệ lâu dài với nước Nga. Năm 1988, ông tới thăm Yaroslavl để thúc đẩy tình bằng hữu và hợp tác. Ông thường xuyên nhắc rằng mình đã đi nghỉ trăng mật ở Liên Xô. Ông cũng gặp gỡ các nhà hoạt động ở Yaroslavl và đã có một lượng lớn người ủng hộ ở Nga.
Tuy nhiên, mối quan hệ này không thể ngăn ông Sanders chỉ trích Nga sau cuộc trưng cầu dân ý tại Crimea. Ông cũng thúc giục Tổng thống Obama cần tăng cường các biện pháp trừng phạt chống lại Moscow. Cùng lúc đó, Sanders cảnh báo cần phải có một biện pháp quân sự để giải quyết “vấn đề Nga” thay vì đàm phán.
Hồi tháng 11/2015, ông Sanders đề xuất hình thành một phiên bản mới của NATO trong đó có bao gồm Nga và các quốc gia khác để chiến đấu chống chủ nghĩa khủng bố.
Đối với ông Sanders, chính sách ngoại giao là một phạm trù ngoại biên bởi chiến dịch của ông tập trung chủ yếu vào sự chiếm ưu thế của phố Wall và các ngân hàng lớn. Nếu Sanders trở thành Tổng thống Mỹ, ông có thể sẽ tập trung vào các vấn đề đối nội và chỉ tham gia một số sự kiện lớn trên thế giới mà thôi.
Donald Trump
Theo một mức độ nào đó, tỷ phú Donald Trump là một hiện tượng độc đáo và duy nhất trong nền chính trị Mỹ. Ông cũng được xem là ứng viên thể hiện sự ủng hộ đối với Nga. Trên thực tế thì không phải như vậy. Trong khi các ứng viên khác cạnh tranh xem ai là người theo đuổi chính sách “bài Nga” nhiều nhất thì cách tiếp cận cân bằng của ông Trump lại rất đáng để suy ngẫm.
Donald Trump là người ủng hộ mối quan hệ với Nga nhất. |
Không có gì ngạc nhiên khi ông Trump thường xuyên lặp lại lời kêu gọi bình thường hóa quan hệ với Moscow. Theo ông, ngoại giao và sự tôn trọng cần phải là những điểm mấu chốt trong mối quan hệ Nga – Mỹ. Ông Trump cũng ủng hộ chiến dịch không kích của Nga ở Syria và phản đối sự hỗ trợ dành cho Ukraine.
“Nếu nước Nga muốn chiến đấu chống IS thì chúng ta hãy để cho họ làm như vậy”, ông nói.
Nếu tỷ phú Donald Trump giành chiến thắng và trở thành Tổng thống Mỹ thì có nhiều hy vọng đối thoại giữa Washington và Moscow sẽ sớm được khôi phục. Khi đó, việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt vì vấn đề xung đột Ukraine cũng có thể được thực hiện.
Hillary Clinton
Cựu Ngoại trưởng Mỹ, Hillary Clinton được xem là ứng viên được biết đến nhiều nhất ở Nga. Năm 200, chính bà Clinton là người đề xuất với Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov ý tưởng về sự khởi đầu mới trong mối quan hệ Nga – Mỹ sau cuộc chiến tại Georgia năm 2008.
Hiện tại, bà Clinton được cho là thuộc phái diều hâu và không có những quan điểm quá bảo thủ đối với Moscow. Cùng lúc đó, bà Clinton cũng không thể hiện nhiều sự nhất quán. Tháng 10/2015, bà đề nghị hợp tác với Nga về vấ đề Syria nhưng chỉ một tuần sau lại thay đổi ý định. Theo cựu Đệ nhất phu nhân Mỹ, Washington cần phải “vùng dậy” trước sự lấn lướt của Moscow, đặc biệt là ở Syria. Thế nhưng hai tháng sau, bà một lần nữa khẳng định ý muốn hợp tác với Nga để giải quyết xung đột Syria.
Bà Clinton và Ngoại trưởng Nga Lavrov. |
Bà Clinton cũng cam kết rằng Nga sẽ không thể can thiệp được vào vai trò lãnh đạo của Mỹ trên trường quốc tế nếu bà trở thành Tổng thống.
Ở thời điểm hiện tại, một điều rõ ràng rằng, không giống như ông Sanders, bà Clinton sẽ tập trung nhiều vào các vấn đề đối ngoại. Có thể, bà Clinton sẽ đi theo con đường của ông Obama, trong đó bao gồm việc tiếp tục các lệnh trừng phạt, đồng thời áp đặt thêm những biện pháp mới đối với Nga.
Và trong số những ứng viên tranh cử lần này, bà Hillary Clinton chắc chắn sẽ can dự và có thể khơi mào cho nhiều cuộc xung đột hơn nữa trên thế giới một khi bà làm chủ Nhà Trắng.
Ted Cruz
Là con trai của một người nhập cư Cuba, Thượng nghị sĩ bang Texas Ted Cruz không giống các ứng viên đảng Cộng hòa khác. Ông Cruz là một ứng viên bảo thủ nhất kể từ sau khi Barry Goldwater chạy đua vào vị trí Tổng thống năm 1964.
Ông có những quan điểm bảo thủ về kinh tế và các vấn đề xã hội, cùng với một ý thức về vị thế cân bằng trong chính sách đối ngoại. Ví dụ, ông Cruz đã lặp lại miêu tả rằng cuộc xâm lược Iraq năm 2003 của Mỹ là một sai lầm.
Ted Cruz ủng hộ các quan điểm truyền thống của đảng Cộng hòa. |
Đối với quan hệ với Nga, ông Cruz ủng hộ các quan điểm truyền thống của đảng Cộng hòa, ông gọi ông Putin là “kẻ sát nhân KGB” và đồng ý với việc gây áp lực đối với Moscow vì vấn đề xung đột Ukraine.
Theo ông, Tổng thống Nga đã lợi dụng điểm yếu của ông Obama trên trường quốc tế. Ông Cruz cam kết khôi phục việc triển khai không quân đến Đông Âu và bắt đầu cung cấp dầu khí đá phiến cho châu Âu.
Về vấn đề Syria, ông Cruz sẵn sàng làm việc với ông Putin nếu cả hai chính trị gia cùng chia sẻ quan điểm về cách tiếp cận thực tế hơn đối với Tổng thống Bashar Assad.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Sputnik, hãng thông tấn mới của Nga khai trương ngày 10/11/2014, có quy mô toàn cầu để cạnh tranh trên thị trường truyền thông thế giới. Sputnik thay thế các dịch vụ truyền thông tiếng nước ngoài của hãng thông tấn RIA Novosti và đài phát thanh Tiếng nói nước Nga.