Tấn công phủ đầu Triều Tiên? Giấc mơ hoang đường của Mỹ
Vào tháng 1/2015, học giả có tiếng Pascal-Emmanuel Gobry đã đăng tải một bài phân tích ủng hộ Mỹ tiến hành một cuộc chiến nhắm vào Triều Tiên. Tuy nhiên, ý kiến này vấp phải nhiều luồng phản đối, do những nguyên do khác nhau.
Một người lính Hàn Quốc tỏ ra lo lắng trong một cuộc tập trận quân sự của Mỹ - Hàn Quốc |
Năm 1994, chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã lên kế hoạch tung ra một chiến dịch không quân lớn nhắm vào Triều Tiên. Tuy nhiên, sau đó kế hoạch này bị hủy do rủi ro quá lớn.
Sau đó, ngay ở nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên, cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush đã xếp Triều Tiên vào "trục ma quỷ". Nếu các cuộc xâm lược Iraq thành công, có khả năng nhiều quốc gia khác sẽ trở thành mục tiêu tiếp theo trong danh sách của ông Bush. Và với những người có khuynh hướng tân bảo thủ, Triều Tiên là mục tiêu hàng đầu cần xem xét.
Mới đây, tác giả Robert E. Kelly đã có bài viết đăng tải trên tạp chí National Interest, trong đó ông phân tích những lý do vì sao kịch bản Mỹ tấn công phủ đầu Triều Tiên sẽ chỉ là viễn cảnh xa vời.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un được những người lính Triều Tiên chào đón nhiệt liệt trong một chuyến thị sát lựu lượng quân đội tiền tuyến. |
1. Thái độ thù địch không đủ biến thành động cơ tấn công
Cả học giả Gobry và Tổng thống Bush đều đặt Triều Tiên vào “trục ma quỷ”, và cùng tỏ thái độ thù địch mạnh mẽ đối với Triều Tiên. Đối với họ, Triều Tiên là quốc gia tồi tệ nhất trên toàn cầu, mặc dầu trên thực tế, Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS mới chính là “quốc gia” tồi tệ nhất.
Bên cạnh đó, những người theo tư tưởng cực đoan với Triều Tiên cũng nhận định, sự thù địch đối với Triều Tiên đã nảy sinh từ những năm 1950, khi cố lãnh đạo Kim Nhật Thành (Kim Il-sung) củng cố quyền lực của ông tại Triều Tiên và phát triển hệ tư tưởng sùng bái cá nhân. Thậm chí, các học giả có quan điểm cực đoan với quốc gia này đã sử dụng thuật ngữ mới “chế độ Kim Il-sung” để mô tả về chế độ cầm quyền tại Triều Tiên.
Các binh sĩ Triều Tiên đang tập trung tập luyện, trong đó có cả nữ binh sĩ |
Tuy nhiên, ông Robert Kelly nhận định, cho dù chủ nghĩa cánh hữu coi chế độ cầm quyền ở Triều Tiên là độc tài, thì người dân ở nhiều quốc gia khác cũng đã hoặc đang phải chịu đựng những chế độ độc tài tương tự như vậy, chẳng hạn như Campuchia dưới thời Pol Pot, hay Syria và Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS ngày nay.
Và bài học rút ra từ sự thay đổi chế độ ở Iraq và Libya là những hậu quả ngoài ý muốn và cảnh tượng đổ máu kinh hoàng.
2. Thực chất, Hàn Quốc không hề muốn tấn công Triều Tiên
Phần lớn các cuộc tranh luận ở phương Tây về Triều Tiên đều nhận định, Hàn Quốc sẽ tán đồng bất cứ quyết định nào của Washington. Lý do đơn giản, Hàn Quốc là một đồng minh thân thiết, luôn sát cánh vai kề vai với Mỹ cùng hướng đến một nền tự do, dân chủ. Nhưng chính sách đối ngoại của Hàn Quốc tỏ ra thực tế hơn rất nhiều. Hàn Quốc không thuộc phe tân bảo thủ và họ thực sự không muốn kết thúc tình trạng hiện tại nếu phải gánh phí tổn chiến tranh.
Thăm dò ý kiến đã chỉ ra, trong nhiều năm, người Hàn Quốc nghi ngại phải chịu tổn thất nếu thực hiện cuộc chiến tranh nhằm thống nhất đất nước, và không coi Triều Tiên là một mối đe dọa lớn. Đồng thời, họ không muốn phải thực hiện nghĩa vụ quân sự bắt buộc nếu chiến tranh nổ ra, và tỏ ra lo ngại về việc Mỹ sẽ phát động một cuộc chiến tranh nhắm vào Bắc Triều.
Phần lớn người dân Hàn Quốc mong muốn hai miền Triều Tiên dần sáp nhập với nhau sau khi Bắc Triều tự thay đổi, có thể thông qua một cuộc đảo chính, do áp lực của Trung Quốc, hoặc do xung đột nội bộ. Ngay cả khi có nhiều người ủng hộ chính sách hiếu chiến ở Hàn Quốc, nhưng cũng không đến mức ủng hộ cho một cuộc chiến nhắm vào Triều Tiên.
3. Triều Tiên có vũ khí hạt nhân
Nếu 2 lý do đầu tiên vẫn chưa đủ thuyết phục, thì nguyên nhân tiếp theo sẽ khiến những người mong muốn lật đổ chế độ của nhà lãnh đạo Kim Jong-un phải suy nghĩ lại. Mỹ không bao giờ phát động cuộc chiến chống lại một quốc gia phát triển vũ khí hạt nhân.
Rõ ràng, lý do Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân là để ngăn chặn các hành động tấn công của Mỹ. Do vậy, gần như có thể nhận định, Triều Tiên sẽ ngay lập tức phóng tên lửa hạt nhân nếu lực lượng quân đội Mỹ đặt chân lên lãnh thổ nước này. Ông Kelly cũng cho hay, học giả Gorby đã quá “ngây thơ” khi đưa ra giả định, Mỹ có thể tìm thấy tất cả hệ thống tên lửa của Triều Tiên và tấn công vào đó trước khi Triều Tiên kịp trở tay.
Ngoài ra, cuộc chiến Mỹ - Triều Tiên cũng không phải điều Hàn Quốc hay Nhật Bản mong muốn. Do vậy, Mỹ cũng không thể qua mặt 2 quốc gia này để tấn công Bắc Triều.
4. Quân đội Nhân dân Triều Tiên có thể đáp trả dữ dội
Theo nhận định của tác giả Robert E. Kelly, Mỹ và các đồng minh chỉ có thông tin ít ỏi về Quân đội Nhân dân Triều Tiên thông qua các cuộc luyện tập quân sự phô trương của nước này. Từ đó, những người theo xu hướng cực đoan giả định quân đội Triều Tiên chỉ là “hổ giấy” và sẽ nhanh chóng bị đánh bại.
Tuy nhiên, tác giả Kelly lên tiếng nhận định, nếu Mỹ tiến hành xâm lược Triều Tiên, điều này sẽ chứng thực những gì Quân đội nước này được tuyên truyền qua hàng thế kỷ. Chỉ cần qua một đêm, từ những người lính nghĩa vụ quân sự, họ sẽ trở thành một đội quân phòng vệ hùng mạnh sẵn sàng đương đầu với cuộc xâm lược được dự báo từ trước.
Từ phân tích trên, có thể thấy, nếu nhận định của những người theo chủ nghĩa cực đoan là sai lầm, điều này đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ phải đối mặt với một cuộc chiến trong đó toàn bộ những người cầm vũ khí đều được huấn luyện quân sự bài bản.
Và một bài học "nhãn tiền" từ cuộc chiến Mỹ - Iraq cho thấy, lực lượng nổi dậy Iraq đã chứng tỏ ý nghĩ và tinh thần dân tộc ngoan cường trong tình huống phải đối mặt vớt lực lượng vũ trang nước ngoài.
5. Trung Quốc có thể nhảy vào tham chiến
Một cuộc xâm lược của Mỹ cũng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến mối quan hệ Mỹ - Trung Quốc đã được thiết lập trong nhiều thập kỷ qua. Thậm chí, cuộc chiến này còn đẩy hai cường quốc vào cuộc chiến tranh lạnh trên diện rộng, có thể lan sang toàn châu Á.
Nếu chiến tranh Mỹ - Triều Tiên nổ ra, chắc chắn nền kinh tế thứ 2 trên thế giới không thể không để mắt đến cuộc chiến này. Năm 1950, Trung Quốc đã từng nhảy vào tham chiến, đẩy lùi quân Mỹ ra khỏi địa phận sông Áp Lục, trong khi đây là cuộc chiến do Triều Tiên khởi phát. Và rõ ràng, vũ khí hạt nhân nằm trong tay quân đội Triều Tiên, cùng với tiềm lực của Quân đội Trung Quốc có thể khiến Mỹ nhanh chóng rơi vào tình trạng suy kiệt.
Nếu Mỹ phát động cuộc chiến, trong mắt cả thế giới, Mỹ sẽ biến thành một đội quân hung hăng, và sẽ khiến Trung Quốc “kề vai sát cánh” cùng Triều Tiên phản công, như đã từng làm trong cuộc chiến năm 1950.
6. Mỹ sẽ phải gánh nhiệm vụ tái thiết thế giới
Dưới đây là một bài học nữa rút ra từ việc Mỹ sa lầy vào cuộc chiến Iraq. Khi chế độ cầm quyền ở Libya hay Triều Tiên bị phá bỏ, rõ ràng một trật tự mới cần được tái thiết.
Học giả Gobry chỉ đơn giản đưa ra giả thuyết Hàn Quốc sẽ sáp nhập Triều Tiên, rõ ràng đây là một kịch bản quá đơn thuần và khó có thể trở thành hiện thực.
Nếu Mỹ chủ động xâm lược Triều Tiên, Hàn Quốc và cả thế giới sẽ nhìn nhận một Washington hiếu chiến lại tiếp tục gây ra tình trạng hỗn độn mới, do đó họ sẽ phải gánh luôn trách nhiệm lập lại trật tự.
Từ đó cho thấy, trước khi ủng hộ Mỹ tiến hành cuộc chiến nhắm vào Triều Tiên, phe tân bảo thủ và những người ủng hộ nên cân nhắc kỹ những bài học xương máu sau khi Mỹ sa lầy trong cuộc chiến chống Iraq và lực lượng khủng bố.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo Tạp chí National Interest. National Interest được thành lập vào năm 1985.Tạp chí thường tập trung vào vấn đề chính sách đối ngoại và những lợi ích quốc gia của Mỹ.