Tấn công căn cứ quân sự Syria, Mỹ đang vượt qua “giới hạn đỏ”
Reuters đưa tin theo Trung tâm chỉ huy chung gồm các lực lượng quân sự của Nga, Iran và dân quân ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al Assad, cuộc không kích của Mỹ nhằm vào căn cứ không quân của Syria hôm 7/4 được xem là hành động vượt qua “giới hạn đỏ”. Động thái quân sự của Mỹ cũng sẽ khiến liên minh này ủng hộ Tổng thống Assad thêm mạnh mẽ cũng như sẵn sàng đối phó với những tình huống mang tính khiêu khích mới.
Căn cứ không quân Shayrat của Syria, nơi bị Mỹ dùng hàng chục tên lửa hành trình Tomahawk tấn công hôm 7/4. |
Hôm 7/4, Mỹ đã cho phóng hàng chục tên lửa hành trình Tomahawk vào căn cứ không quân Shayrat của Syria. Theo Mỹ, đây là phản ứng trước cáo buộc quân chính phủ Syria dùng vũ khí hóa học tấn công dân thường. Hành động của Mỹ cho thấy quốc gia này đang ngày càng dấn sâu vào cuộc chiến ở Syria. Tuy nhiên, các lực lượng ủng hộ Tổng thống Assad bao gồm Nga và Iran đã lên tiếng phản đối Mỹ mạnh mẽ.
“Cách Mỹ tạo ra một cuộc xâm lược ở Syria đã vượt qua giới hạn đỏ. Từ nay, chúng tôi sẽ có phản ứng bằng vũ lực trước mọi hành động xâm lược hoặc vượt qua giới hạn đỏ dù đó là lực lượng nào và Mỹ biết rõ năng lực phản ứng của chúng tôi”, Reuters dẫn thông báo từ Trung tâm chỉ huy chung.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã lên tiếng cáo buộc chính việc Nga không đưa ra phản ứng kịp thời nên đã xảy ra vụ tấn công hóa học ở Syria hồi tuần trước. Cũng theo ông Tillerson, Nga đã không tuân thủ thỏa thuận ký kết năm 2013 liên quan tới việc đảm bảo an ninh và tiêu hủy số vũ khí hóa học ở Syria.
Ông Tillerson còn nhấn mạnh, Mỹ hy vọng Nga sẽ có tiếng nói mạnh mẽ hơn với Syria thông qua việc tái cân nhắc mối quan hệ đồng minh với Tổng thống Assad bởi “mỗi khi xảy ra một cuộc tấn công khủng khiếp, trách nhiệm của Nga lại càng lớn hơn”.
Tuy nhiên, theo điện Kremlin, trao đổi qua điện thoại, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Iran Hassan Rouhani cũng khẳng định hành động không kích của Mỹ ở Syria là không thể chấp nhận được và nó đã vi phạm luật pháp quốc tế.
Hai nhà lãnh đạo Nga và Iran còn thống nhất về việc cần tổ chức một cuộc điều tra trước cáo buộc xảy ra vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ở tỉnh Idlib của Syria. Hai bên cùng sẵn sàng thắt chặt quan hệ trong cuộc chiến chống khủng bố.
Trước thời điểm Nga chính thức can thiệp vào chiến sự ở Syria hồi tháng 9/2015, lực lượng ủng hộ Tổng thống Assad đã để mất nhiều phần lãnh thổ vào tay phe nổi dậy và quân khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS.
Còn theo Trung tâm chỉ huy chung, sự xuất hiện của binh sĩ Mỹ ở miền bắc Syria, nơi mà Washington đã điều động hàng trăm lính đặc nhiệm tới hỗ trợ Lực lượng dân chủ Syria (SDF) tiêu diệt IS, là hành động “trái phép” và Washington từ lâu đã có sẵn kế hoạch chiếm vùng đất này.
Cũng theo Trung tâm chỉ huy chung, vụ không kích bằng tên lửa hành trình của Mỹ vào căn cứ quân sự Syria sẽ không thể ngăn các lực lượng ủng hộ Tổng thống Assad “giải phóng” toàn bộ lãnh thổ Syria trong thời gian tới.