Tại sao tình báo Mỹ không thể “giải mã” được Putin?
Nhưng liệu ông Putin có phải là người dễ nắm bắt?
Các nhân viên tình báo Mỹ được đào tạo để đương đầu với những mục tiêu khó khăn nhất. Và Tổng thống Putin, người luôn đi những nước cờ chặt chẽ, là một trong số đó.
“Tôi thích phân biệt giữa câu đố – những điều chắc chắn có câu trả lời mặc dù chúng ta có thể chưa biết câu trả lời đó – và bí ẩn, những điều vô định và ngẫu nhiên. Cách ông Putin sẽ hành xử được xem là một bí ẩn, thậm chí bí ẩn ngay cả với bản thân ông ấy”, Gregory Treverton, Chủ tịch Hội đồng Tình báo quốc gia Mỹ nhận định.
Treverton không phải là người duy nhất có quan điểm như trên.
Ông Putin đã học được cách trở thành điệp viên gần như hoàn hảo - Ảnh: Getty Images |
Cựu Đô đốc James Stavridis, Tư lệnh các lực lượng NATO thời kỳ 2009-2013 cho hay Tổng thống Putin là một trong những trường hợp đặc biệt mà ông khó có thể giải mã.
"Ông ấy sở hữu một nội các gồm nhiều cố vấn thân cận. Nhưng cuối cùng, chiến lược của Nga chẳng thể hiện trên bất kỳ tấm bản đồ cụ thể nào. Nó nằm trong đầu của Vladimir Putin”, Stavridis cho hay.
Chính điều này khiến cho CIA cũng như các tổ chức tình báo khác, những cơ quan chịu trách nhiệm về việc theo dõi hoạt động quân sự và tài chính của Nga, khó có thể dự đoán những động thái tiếp theo từ Moscow trong cuộc xung đột ở Syria, căng thẳng ở bán đảo Crimea và một loạt các vấn đề khác.
Ông Stavridis, hiện là Hiệu trưởng trường Luật và Ngoại giao Fletcher, thuộc Đại học Tufts, đã chỉ ra một số yếu tố khiến Tổng thống Putin trở thành mục tiêu “khó chơi” đối với các nhân viên tình báo.
Đầu tiên phải kể đến mức độ quyền lực, điều mà ông Putin đã tích luỹ được qua suốt 17 năm luân phiên nắm giữ hai vị trí cao nhất nước Nga: tổng thống và thủ tướng. Theo Stavridis, đây cũng là điểm chung giữa ông Putin với một số nhà cầm quyền lâu năm khác như Chủ tịch Cuba Fidel Castro hay người đứng đầu CHDCND Triều Tiên.
Đối với những nhân vật như trên, các phương thức tình báo như chặn điện thoại, sử dụng hình ảnh vệ tinh có thể được áp dụng. Tuy nhiên, những công cụ này dường như không phát huy tác dụng trong trường hợp của ông Putin bởi chính Tổng thống từng được đào tạo như một điệp viên.
Vladimir Putin gia nhập Cơ quan Tình báo Liên Xô (KGB) vào năm 1975. Ông được cử sang Dresden, Đông Đức để theo dõi hoạt động của phương Tây trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Chính trong khoảng thời gian này, ông đã đồng thời học được cách trở thành một người Đức và một điệp viên gần như hoàn hảo.
“Năng lực phản gián của Nga vô cùng mạnh mẽ và chính ông Putin cũng được đào tạo kỹ năng này một cách bài bản,” John McLaughlin, quyền Giám đốc Cơ quan tình báo Mỹ CIA năm 2004 – thời điểm ông Putin làm Tổng thống Nga nhiệm kỳ đầu tiên, nhận xét.
Theo McLaughlin, đa phần phụ tá thân cận của ông Putin – những người mà Tổng thống có thể tâm sự được đều xuất thân từ KGB. “Nhóm người này ý thức rõ về việc họ đang nói chuyện với ai và cách thức giao tiếp thế nào. Đó quả thực là một vòng tròn vững chắc khiến giới tình báo khó xâm nhập”, ông nói.
Mặc dù không đọc được tâm trí ông Putin, nhưng McLauglin cho hay, vẫn có thể phân tích những khó khăn trong thực tế mà nhà lãnh đạo này đang phải đối đầu để dự đoán được hành động của ông.
"Trong trường hợp của Nga, cần nhìn vào tác động của những lệnh trừng phạt nặng nề đang được áp dụng lên nước này. Đồng ruble đã rớt xuống mức thấp chưa từng thấy và Nga đang gặp vấn đề về vốn nghiêm trọng”, McLaughlin nói.
Ngoài ra, còn có một thực tế rằng ông Putin đã thẳng thắn công khai về mục tiêu tổng quát của mình là tái lập Nga trở lại thành cường quốc thế giới. Do vậy, việc còn lại của CIA và các cơ quan tình báo khác chỉ là tìm ra cách thức ông sẽ thực hiện để theo đuổi mục tiêu này.
Nội dung được tham khảo từ nguồn tin NPR, có trụ sở tại Washington D.C, Mỹ. Đây là một trang tin với những nội dung được khai thác từ nhiều khía cạnh mới lạ, từ vi mô đến vĩ mô, từ những câu chuyện ẩn sâu trong đời sống hàng ngày cho đến những phân tích về tình hình thế giới.