Tại sao tàu khu trục của Hải quân NATO “nhòm ngó ao làng” của Nga?
Biển Barents là một phần của Bắc Băng Dương, tiếp giáp với bờ biển Nga và Na Uy. Thành phố cảng Murmansk, nơi đặt căn cứ Hạm đội Phương Bắc hải quân Nga, cũng nằm bên bờ Biển Barents.
RIA đưa tin, hôm 4/5, biên đội gồm 4 tàu khu trục hạm tên lửa gồm tàu Porter, Donald Cook và Franklin Roosevelt (lớp Arleigh Burke) của Hải quân Mỹ và tàu khu trục tên lửa Kent của Hải quân Anh (type 23 lớp Duke), có tổng lượng giãn nước hơn 30.000 tấn, được trang bị hàng trăm tên lửa hành trình, đã tiến vào biển Barents, trong khu vực vùng biển “sân nhà” của Nga. Đáp lại, Hạm đội phương Bắc của Nga đã điều động một số tàu chiến hiện đại theo dõi sát hành động của các tàu này và sẵn sàng trục xuất lực lượng này khỏi lãnh hải Nga khi cần thiết.
Hệ thống tên lửa phòng không Tor-M2DT được thiết kế để hoạt động ở Bắc Cực. Ảnh: RIA. |
Được biết, Biển Barents được đặt theo tên của nhà hàng hải người Hà Lan là Willem Barents. Tên này nhằm ghi nhớ tên nhà hàng hải này và được gọi cho đến ngày nay. Biển là một phần của Bắc Băng Dương nằm ở phía Bắc Na Uy và Nga. Biển nằm trên thềm lục địa có (độ sâu trung bình là 230m), có ranh giới bởi sườn thềm lục địa về phía biển Na Uy, đảo Svalbard (Na Uy) về phía tây bắc. Diện tích của biển này khoảng 1.424 km2, độ sâu tối đa là 600 m.
Phần phía tây nam của biển Barents, bao gồm các cảng Murmansk và Vardo, các cảng ở đây quanh năm không bị băng bao phủ do dòng hải lưu Bắc Đại Tây Dương ấm. Trước Chiến tranh mùa Đông (Chiến tranh Liên Xô-Phần Lan 1939-1940), lãnh thổ Phần Lan kéo dài tới tận biển Barents. Một trong số đó là cảng Petsamo là cảng duy nhất của Phần Lan không bị đóng băng vào mùa đông.
Về phía mình, Lầu Năm Góc nhấn mạnh rằng, họ đã thông báo trước cho Moscow về lộ trình của đội tàu. Tàu chiến hải quân Mỹ thường xuyên xuất hiện ở Biển Barents trong thời kỳ cao điểm của Chiến tranh Lạnh, nhưng chấm dứt hoạt động này kể từ giữa thập niên 1980.
Chương trình huấn luyện hải quân
Hạm đội 6 của Hải quân Mỹ tuyên bố, để tránh phát sinh những hiểu nhầm, giảm thiểu rủi ro liên quan và ngăn chặn sự cố ngoài ý muốn, Hải quân Mỹ hôm 1/5 đã thông báo cho Bộ Quốc phòng Nga về hành trình lần này. Mục đích trong đợt hành trình này là đảm bảo an ninh trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, duy trì tự do hàng hải và tương tác liên tục giữa các đồng minh ở biển Barents.
Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố rằng, Hạm đội phương Bắc của Nga sẽ không bỏ qua chuyến viếng thăm của “những vị khách không mời”.
“Các lực lượng và phương tiện của Hạm đội phương Bắc bắt đầu theo dõi hành động của nhóm tàu tấn công hải quân NATO bao gồm các tàu khu trục Porter, Donald Cook, Franklin Roosevelt và tàu khu trục tên lửa Kent, tiến vào biển Barents từ ngày 4/5”, thông báo cho biết.
Theo đó, các lực lượng và phương tiện chúng ta đang nói ở đây không được tiết lộ. Tuy nhiên, vào hôm 5/5, biển Barents đã bị đóng cửa để tiến hành bắn pháo từ tàu tuần dương tên lửa “Marshal Ustinov”. Một trong những kỳ hạm đội mạnh nhất của Hạm đội phương Bắc đã lên đường để chào đón những “vị khách” đến từ NATO.
Đây là một trong những con tàu trong dự án 1164 Atlant, gần đây đã trải qua quá trình sửa chữa và hiện đại hóa. Lượng dãn nước 11280 tấn, thủy thủ đoàn gần 500 người, tốc độ tối đa lên tới 32 hải lý.
Chuyên gia quân sự Nga, Đại tá Viktor Murakhovsky, Tổng biên tập tạp chí Arsenal Otechestva cho hay: “Không có gì bí mật ở đây nếu tôi nói rằng, chúng tôi đang tạo ra một tổ hợp hệ thống quan sát bầu trời, bề mặt biển và dưới nước ở vùng vĩ độ phía Bắc. Sự xâm nhập của nhóm tàu NATO vào biển Barents là một dịp thử thách tuyệt vời cho hệ thống này”.
“Định hướng chiến lược”
Các tàu Mỹ đã không xuất hiện ở Biển Barents kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Sau đó, Hạm đội phương Bắc, cùng với Hạm đội Thái Bình Dương, đã đặt ra một mối đe dọa nghiêm trọng đối với Hoa Kỳ và các đồng minh. Lực lượng này bao gồm hàng chục tàu tuần dương tên lửa, tàu ngầm chiến lược có khả năng thực hiện các cuộc tấn công hạt nhân.
Trước đây và ngay cả bây giờ, các khu vực cảnh báo hoạt động chiến đấu của các tàu ngầm chiến lược là ở biển Barents. Tất nhiên, để đảm bảo sự ổn định chiến đấu và hoạt động bí mật của tàu ngầm Nga là một trong những nhiệm vụ chính của Hạm đội phương Bắc, khi các “đối thủ tiềm tàng” luôn cố gắng theo dõi mọi biến động của nó. Cho đến gần đây, NATO giới hạn trong các hoạt động của máy bay và tàu ngầm. Bây giờ họ quyết định sử dụng đến tàu chiến trên mặt nước. Đây là lần đầu tiên kể từ giữa những năm 1980, tàu chiến Mỹ mới quay trở lại khu vực này.
“Trong những năm gần đây, Hải quân Mỹ đã tăng cường hoạt động ở khu vực biển Đen. Tàu khu trục tên lửa của họ đã đến đó nhiều lần. Tàu khu trục tên lửa của họ đã đến đó nhiều lần. Sự xuất hiện lần này ở phía Bắc, Biển Barents, cho thấy sự thay đổi trong chiến lược tổng thể của Lầu Năm Góc. Washington lại bắt đầu nói về sự cần thiết phải tập trung đối đầu với các cường quốc, như Nga, Trung Quốc và họ đang thay đổi phương hướng đào tạo huấn luyện và tác chiến. Một trong những yếu tố thể hiện điều này là đội tàu chiến tấn công tiến vào vùng biển Barents”, ông Murakhovsky nhận định về lần tái xuất này của Hải quân Mỹ ở biển Barents.
“Bao phủ tuyến đường biển phía Bắc”
Các chuyên gia và chính trị gia đồng ý rằng chuyến thăm chưa từng có của đội tàu tấn công hải quân Mỹ - Anh tới Biển Barents là một bước nữa để xây dựng sự hiện diện quân sự của NATO ở khu vực Bắc Cực. Vào cuối tháng 1, Bộ trưởng Ngoại giao Nga, theo chỉ thị đặc biệt, Nikolai Korchunov đã thu hút sự chú ý về điều này.
Đội tàu của Hải quân NATO tiến vào biển Barents hôm 5/5. Ảnh: Phot Dan Rosenbaum, HMS Kent. |
Vào đầu tháng 1, Đại sứ Bộ Ngoại giao Nga thành viên của Hội đồng Bắc Cực của Nga Nikolai Korchunov cho biết, Nga bày tỏ lo ngại về sự tích cực hiện diện của NATO ở Bắc Cực và hoạt động của các quốc gia thành viên ngoài Bắc Cực gây nên mối quan ngại đặc biệt cho Nga.
“Chúng tôi lo ngại về hoạt động ngày càng tăng của NATO ở Bắc Cực. Chúng tôi phát biểu thẳng thắn trung thực về vấn đề này với các đối tác và cộng đồng thế giới. Chúng tôi đặc biệt lo ngại về sự hiện ngày càng gia tăng ở Bắc Cực của các quốc gia không thuộc Bắc Cực và là thành viên của NATO”, ông Korchunov nói.
Theo ông Korchunov, hiện nay đã xuất hiện một “hiện tượng” mới đó là các quốc gia không thuộc Bắc Cực là thành viên của NATO áp dụng các chiến lược quân sự hoặc đưa ra các báo cáo, các tài liệu chiến lược khác để chứng minh sự hiện diện của quân đội nước mình ở Bắc Cực. “Chúng tôi tin rằng điều này dẫn đến sự căng thẳng, làm suy yếu việc duy trì Bắc Cực như một khu vực hòa bình, ổn định và tương tác xây dựng”, ông Korchunov nhấn mạnh.
Mỹ trước đây nhiều lần tuyên bố về kế hoạch làm cho khu vực trên trở thành “tự do hoạt động quốc tế”. Năm 2019, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ công bố chiến lược mới ở Bắc Cực, chiến lược mới nhấn mạnh đến tính phức tạp, tính không xác định và tính cạnh tranh chiến lược của môi trường an ninh ở Bắc Cực. Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang ngày càng công khai thể hiện sự quan tâm mạnh mẽ tới Bắc Cực - một dấu hiệu cho thấy Mỹ đang huy động nguồn lực để chuẩn bị cho một kỷ nguyên mới.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu, Nga đã quyết định thành lập một sư đoàn phòng không mới ở khu vực Bắc Cực. Ngoài ra, các hệ thống trên không, trên biển và dưới mặt nước sẽ được tăng cường trong khu vực này nhằm đảm bảo Bắc Cực sẽ là một vùng lãnh thổ hòa bình, ổn định và mang lại lợi ích chung. Đơn vị này được giao nhiệm vụ bảo vệ lợi ích kinh tế của Nga ở khu vực Bắc Cực, bao gồm cả việc bảo vệ tuyến đường biển phía Bắc.
Ngoài ra, hôm 5/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã kỹ sắc lệnh phê chuẩn nền tảng chính sách nhà nước Nga về Bắc Cực cho đến năm 2035. Kế hoạch có tên là Những yếu tố căn bản trong chính sách nhà nước của Nga ở Bắc Cực. Kế hoạch này xác nhận Nga đã thiết lập một lực lượng thông thường và một hệ thống an ninh ven biển ở Bắc Cực.
Cụ thể tài liệu nêu rõ: “Nhiệm vụ chính trong 15 năm sắp tới sẽ là ngăn chặn việc dùng sức mạnh quân sự chống lại Nga ở khu vực. Để chống lại bất kỳ cuộc xâm lược nào, Nga sẽ tăng cường mạnh mẽ năng lực của các lực lượng đóng tại Bắc Cực. Các hệ thống giám sát trên không, dưới biển và hệ thống ngầm cũng sẽ được nâng cấp như một phần của kế hoạch cải tổ và xây dựng mạng lưới cơ sở hạ tầng quân sự mới trong khu vực”.
Thanh Bình (lược dịch)