Tại sao Pháp luôn là mục tiêu đầu tiên của những kẻ khủng bố?
Nếu có tổ chức khủng bố nào đứng lên nhận trách nhiệm cho vụ tấn công này thì đây sẽ là vụ tấn công khủng bố đẫm máu thứ hai tại Pháp chỉ chưa đầy một năm và là vụ thứ ba kể từ tháng 1/2015.
John Schindler, chuyên gia an ninh quốc gia của tờ The New York Observer, từng viết trên trang Twitter của mình sau vụ tấn công ngày 13/11/2015 ở Paris khiến 130 người thiệt mạng, rằng: “Những phiến quân Hồi giáo có vũ khí đã tấn công nước Pháp từ năm 1995, vì vậy không có gì quá ngạc nhiên trước sự việc này”.
Chiếc xe tải tiến hành vụ tấn công đêm qua tại thành phố Nice. Nguồn: Reuters |
Trong vụ khủng bố Paris, những kẻ tấn công sử dụng súng và bom ở một số địa điểm trên khắp Paris, bao gồm sân vận động Satde de France, Nhà hát Bataclan, dẫn đến câu hỏi tại sao Pháp lại trở thành mục tiêu đầu tiên của các nhóm khủng bố.
IS từng gọi Paris là “thủ đô của sự khiêu dâm và đồi bại” trong một tuyên bố về việc nhóm này chịu trách nhiệm cho vụ tấn công Paris hồi năm ngoái. Tổ chức này cũng kết luận rằng Pháp và “tất cả các quốc gia đang đi theo con đường của Pháp” đều nằm trong “danh sách tấn công hàng đầu của IS”. Dưới thời Tổng thống Francois Hollande, Pháp đã tiến hành những vụ không kích đầu tiên vào các mục tiêu IS ở Syria từ tháng 9/2015. Quốc gia này cũng ngày càng trở thành mục tiêu dễ tiếp cận và có cơ hội nhiều hơn cho các nhóm cực đoan.
Các nhân chứng trong vụ tấn công Nhà hát Bataclan cho biết tay súng đã hô vang bằng tiếng Pháp câu “Đây là sự trả đũa cho tất cả những tổn hại mà ông Hollande đã làm đối với người Hồi giáo trên khắp thế giới”. Một nhân chứng khác khẳng định với CNN rằng kẻ tấn công nói với giọng điệu của một người Pháp bản xứ.
Will McCants, chuyên gia chống khủng bố và là tác giả của cuốn sách “The ISIS Apocalypse”, cho Bussiness Insider biết vụ tấn công hồi tháng 11/2015 là một lời cảnh cáo buộc Pháp phải dừng không kích ở Syria. “Những kẻ khủng bố muốn nói rằng nếu tiếp tục đánh bom họ thì Pháp cũng sẽ nhận đáp trả tương tự vì vậy tốt nhất là nên rời khỏi nếu không muốn người dân của mình thiệt mạng nhiều hơn nữa”, ông McCants phân tích.
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng rất khó để suy đoán về lý do của IS bởi “đó có thể là vấn đề về khu vực mà tổ chức khủng bố này dễ có cơ hội tấn công nhất”. Theo ông, “Quốc gia mà IS coi là kẻ thù lớn nhất là Mỹ và mọi người cho rằng Mỹ sẽ đứng đầu danh sách tấn công của tổ chức này. Tuy nhiên, rất khó để lực lượng phiến quân IS xâm nhập và có cơ hội tấn công nước Mỹ”.
Do đó, Paris có thể là địa điểm tuyển quân dễ dàng cho IS, hơn bất kỳ thành phố nào khác ở khu vực Tây Âu. George Packer, phóng viên thường trú của tờ The New Yorker tại châu Âu cho rằng, những mâu thuẫn xung quanh cộng đồng Hồi giáo ở Pháp từ lâu đã bị kìm hãm lại và các vùng ngoại ô Paris chính là “một lò ấp chủ nghĩa khủng bố”.
Người dân Nice di tản dưới sự hướng dẫn của cảnh sát đêm 14/7. Nguồn: Reuters |
Ông Packer viết: “Pháp có rất nhiều kiểu ngoại ô mà nơi đây đã bị xâm chiếm bởi người nhập cư. Nhưng cái từ “banlieues” được người Pháp dùng để gọi vùng ngoại ô của mình ngày nay mang cái nghĩa rất xấu. Nó có nghĩa là những khu ổ chuột đầy rẫy người nhập cư. Khu vực này được cho là nơi tập trung những người thuộc tầng lớp công nhân, nghèo khổ và bị cô lập xã hội. Các trung tâm ngoại ô và cư dân ở đây thường là chủ đề để trút bỏ sự giận dữ ở Pháp”.
Sau vụ tấn công vào tòa soạn báo Charlie Hebdo hồi đầu năm ngoái do các nhóm ủng hộ Al Qaeda thực hiện, các nhà hoạt động địa phương tại Paris lo lắng rằng nó sẽ trầm trọng hóa tình trạng chia rẽ trong nước Pháp.
“Tôi cảm thấy lo sợ cho những người Hồi giáo ở Pháp. Những kẻ sợ hãi và có đầu óc hạn hẹp đang muốn chĩa súng và quy kết tội cho tất cả những người Hồi giáo và những kẻ tấn công khủng bố sẽ lợi dụng điều đó”, một nhà hoạt động cho biết.
Theo giải thích của nhà báo Packer, bối cảnh căng thẳng xuất phát giữa một số người Pháp nhập cư từ nước châu Phi Algeria và một bộ phận người Pháp bản địa. “Algeria trở thành một phần của nước Pháp kể từ đầu thế kỷ 19 cho tới năm 1962 nước này giành lại độc lập, sau 8 năm chiến tranh với khoảng 700 ngàn người thiệt mạng. Bộ phim “The Battle of Algiers” của đạo diễn Gillo Pontecorvo nói về bạo loạn, khủng bố, tra tấn đối với người Algeria từng bị cấm chiếu ở Pháp suốt 5 năm sau khi nó ra đời năm 1996 và cho đến nay vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Những người trẻ tuổi ở banlieues nói rằng họ vẫn được dạy không quên lịch sử đau thương đó”.
Học giả Andrew Hussey chuyên nghiên cứu về Paris cho biết: “Những đữa trẻ ở các banlieues lên lớn giữa đầy rẫy tệ nạn như nghiện ngập, gái điếm, xã hội đen và cả những vấn đề phức tạp của Hồi giáo. Họ không có kiến thức rõ ràng về lịch sử, không có khái niệm rằng họ đến từ đâu ở Bắc Phi mà chỉ biết chút ít về thế giới Ả Rập, một chút về Hồi giáo mà hoàn toàn không có ý nghĩa với họ”.
“Chúng bị cô lập với bên ngoài và phải tự nhận thức một cách đau đớn rằng chúng khác với những người da trắng gốc gác ở nước Pháp”, ông Parker cho biết.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ tờ Business Insider, một trang tin công nghệ lớn của Mỹ. Business Insider nổi tiếng bởi các bài viết tổng hợp từ nhiều nguồn tin với các chủ đề nổi trội liên quan đến công nghệ, chính trị, quân sự…