Tại sao Nga không muốn Liên minh châu Âu sụp đổ?
Cùng xem xét kỹ lưỡng các ưu tiên địa chính trị và những mối lo ngại của Moscow để thấy được Nga thực sự muốn khối liên minh này tồn tại và phát triển “khỏe mạnh”. Theo bài viết của bà Mary Dejevsky, chuyên gia bình luận nổi tiếng về Nga, EU và Mỹ trên tạp chí Financial Times, tất cả đều nhắm vào quan điểm của Nga về an ninh quốc gia. Theo ý kiến của bà, Moscow tự tin cho rằng sự ổn định của khu vực châu Âu chính là một nhân tố quan trọng giúp cho nước Nga được an toàn.
“Ưu tiên tuyệt đối của điện Kremlin từ lâu luôn là vấn đề an ninh của nước Nga và sự ổn định của Liên minh châu Âu chính là một điều kiện đảm bảo cho vấn đề trên”, bà nhấn mạnh.
Nga có thực sự muốn Liên minh châu Âu sụp đổ? |
Rất nhiều người Nga vẫn nhớ rằng sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết và Liên bang Nam Tư trước kia đã làm thay đổi địa hình chính trị và xã hội của khu vực Âu-Á, làm trầm trọng hóa các mối quan hệ cũng như đẩy một số khu vực hậu Xô Viết vào thời kỳ khủng hoảng. Chắc chắn, những người dân này không muốn phải trải qua thời kỳ đen tối về chính trị như vậy một lần nào nữa.
Bà Mary Dejevsky cho rằng: “Nhìn vào những khía cạnh thực tế, Nga trân trọng sự ổn định của khối EU và sự thuận tiện trong các giao dịch thương mại giữa hai bên. Moscow đã từng rơi vào khủng hoảng khi loại tiền tệ duy nhất đứng trước nguy cơ mất giá và phải yêu cầu hỗ trợ tài chính từ Ngân hàng trung ương EU. Vì vậy, Nga coi đồng euro sụp đổ là một mối nguy hiểm đối với Moscow”.
Chuyên gia sinh sống tại Anh này cho biết thêm, EU cũng chính là “nguồn cảm hứng” để Moscow đề ra kế hoạch Liên minh kinh tế Á-Âu với mục đích tập trung các khối kinh tế đã được thành lập trong thời kỳ Xô Viết. Thành lập năm 2015, khối liên minh kinh tế này bao gồm Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan.
“Liên minh này nên được coi là một đối tác của EU, chứ không phải là đối thủ cạnh tranh”, bà nói.
Theo bàDejevsky, do Nga không muốn EU sụp đổ nên rất có thể Moscow sẽ lên tiếng phản đối mọi sự kiện khiến tổ chức này bị lung lay, bao gồm cả sự kiện Brexit. Mặc dù nhiều người cho rằng ông Putin có thể được hưởng lợi từ việc Vương quốc Anh rời EU nhưng cho đến nay Moscow vẫn chưa đưa ra một tuyên bố chính thức nào cho thấy Nga ủng hộ việc này.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Sputnik, hãng thông tấn mới của Nga khai trương ngày 10/11/2014, có quy mô toàn cầu để cạnh tranh trên thị trường truyền thông thế giới. Sputnik thay thế các dịch vụ truyền thông tiếng nước ngoài của hãng thông tấn RIA Novosti và đài phát thanh Tiếng nói nước Nga.