Tai nạn tại nhà rình rập trẻ kỳ nghỉ hè
Nghỉ hè trẻ được ở nhà chơi trong khi phụ huynh vẫn phải đi làm việc, điều này tiềm ẩn nguy cơ tai nạn rình rập trẻ.
Bệnh nhi 9 tuổi (trú tại huyện Cờ Đỏ, TP. Cần Thơ) được đưa tới Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ trong tình trạng gãy hở độ 2 cẳng tay trái và đùi trái. Bác sĩ phải mổ để cố định cho bệnh nhi bằng kim loại. Theo người nhà, nghỉ hè bé ở nhà chơi, mẹ và dì ra ngoài được 5 phút bé ra ngõ chơi thì bị xe máy va chạm gây tai nạn.
Hay trường hợp khác, bé trai 24 tháng tuổi (ở Hậu Giang) được người nhà đưa vào cấp cứu vì bỏng. Theo bà của cháu bé, khi chú của bé đổ nước sôi vào bình để ở bàn, trẻ hiếu động đã với ca nước nóng khiến bé bị bỏng toàn vùng ngực, vùng thân dưới. Vào bệnh viện, bác sĩ vừa chăm sóc vết thương bỏng, vừa truyền dịch bù điện giải cho bé.
Theo BS Nguyễn Quang Tiến – Trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, thống kê tại Khoa Chấn thương chỉnh hình mỗi ngày tiếp nhận hơn 30 trường hợp tai nạn thương tích. Tai nạn thương tích thường gặp là: bỏng, gãy tay chân, té ngã gây chấn thương, tai nạn giao thông.
Nhiều tai nạn rình rập trẻ hàng ngày. |
Bác sĩ Tiến khuyến cáo cách phòng tai nạn thương thích cho trẻ trong mùa hè: Giữ an toàn cho trẻ bằng cách hiểu biết và dự đoán những nguy cơ gây tai nạn thường gặp để có các biện pháp phòng tránh và làm cho môi trường của con bạn an toàn hơn.
Hàng ngày, con bạn có rất nhiều các hoạt động như tập đi, hoặc chạy hoặc bò quanh nhà,.... những hoạt động này của trẻ luôn tiềm ẩn khả năng xảy ra một loạt các tai nạn. Điều này là khó tránh khỏi khi con của bạn luôn tò mò muốn khám phá thế giới, nhưng bạn có thể thực hiện các biện pháp để ngăn ngừa tai nạn.
Các tai nạn thường gặp như:
Bỏng: Các phụ huynh không bao giờ được để trẻ tới gần khu vực nấu ăn, tránh các loại thức ăn vừa được nấu nướng xong, các loại chất lỏng nóng như nước sôi, nước canh,... cần được đặt ở các vị trí xa tầm với của trẻ.
Nếu phải để trẻ vào khu vực nhà bếp thì các phụ huynh phải chú ý luôn giám sát từng hoạt động của trẻ và tránh các vật dụng nóng khỏi tầm với của trẻ. Hệ thống nước nóng sử dụng trong gia đình không được đặt quá 50 độ C.
Các hệ thống báo động khói, lửa cần được cài đặt ở tất cả các tầng trong nhà và gần các phòng ngủ, đảm bảo nếu có cháy xảy ra thì các phụ huynh có thể lập tức di dời tới nơi an toàn.
Ngộ độc: Phụ huynh nên loại bỏ các loại thuốc đã hết hạn sử dụng hoặc không cần thiết, kể cả các loại thuốc kê theo đơn hay thuốc không kê theo đơn cũng cần rà soát lại sau thời gian sử dụng.
Các loại thuốc hay sản phẩm chăm sóc cá nhân, dung dịch tẩy rửa và hóa chất gia dụng xa tầm tay của trẻ nhỏ.
Trẻ bị ngã: Các tình huống trẻ ngã và nhào lộn là không thể tránh khỏi khi trẻ học cách đứng, đi, chạy và leo trèo.
Lắp đặt các tấm chắn cửa sổ, cửa cầu thang, thanh chắn bảo vệ. Đưa trẻ đến các khu vực sân chơi phù hợp với lứa tuổi có bề mặt mềm.
Không bao giờ được để trẻ trên bàn thay đồ hoặc đồ đạc khác mà không có sự giám sát của các phụ huynh
Các chấn thương khác cha mẹ cần lưu ý trẻ bị va đập vào các vật cứng cố định hoặc tơi trên bề mặt cứng, hoặc khi hướng của đồ chơi bị sai lệch và văng vào trẻ hay ở các tình huống trẻ đánh nhau với các trẻ khác. Các đồ vật mắc kẹt trong lỗ mũi hoặc tai, chẳng hạn như đá nhỏ, sỏi, các hạt đậu,...
Vết cắt và trầy xước do móng tay nhọn, vật nuôi, vật sắc nhọn, cạnh đồ nội thất, gậy và các vật nhọn khác bên ngoài. Các tổn thương ở mắt do bụi, cắt, thuốc xịt hóa chất hoặc các loại tạp chất khác. Các vết cắn từ động vật, côn trùng hoặc từ các trẻ khác
Đặc biệt là tai nạn đuối nước trong mùa hè. Bác sĩ khuyến cáo đây là nguyên nhân tử vong hàng đầu đối với trẻ dưới 14 tuổi. Cha mẹ nên cẩn thận trọng khi trẻ nhỏ ở xung quanh khu vực có chứa nước như bồn tắm, xô, nhà vệ sinh,...
Giám sát trẻ chặt chẽ bất cứ khi nào trẻ chơi ở các khu vực nước. Các phụ huynh nên giữ nắp bồn cầu xuống và đóng cửa phòng tắm khi không sử dụng.
Khánh Chi