Tái cơ cấu nền kinh tế, ưu tiên mũi nhọn gì?
Tăng cường liên kết ngành, lĩnh vực, vùng kinh tế
Góp ý kiến về Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, ĐB Phạm Phú Quốc (TP.HCM) nhận định việc thực hiện tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2011-2015 chưa có sự thay đổi cơ bản về mô hình trăng trưởng của nền kinh tế, chưa tạo ra tăng trưởng kinh tế bền vững và tái cơ cấu nhiều ngành chưa đi vào thực chất, chưa có tôn trọng những nguyên tắc về thị trường.
Do đó, ĐB kiến nghị kế hoạch tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016-2020 phải đưa được nội dung tăng cường liên kết ngành, nội ngành, lĩnh vực, vùng kinh tế.
![]() |
ĐBQH Phạm Phú Quốc |
Đại biểu Quốc cũng lưu ý, thực tế 20 năm qua Việt Nam đi theo hướng tăng trưởng cao so với các nước trong khu vực và phải rút kinh nghiệm từ chính họ rơi vào "bẫy" thu nhập trung bình nên kế hoạch tái cơ cấu trong giai đoạn tới phải rất cẩn trọng, quyết liệt, tính toán kỹ lưỡng, phân khúc, chia đoạn... rõ ràng để sau một giai đoạn tăng trưởng cao không rơi vào bẫy thu nhập trung bình.
Mục tiêu tối thượng của tái cơ cấu kinh tế đó là đem lại cuộc sống tốt đẹp nhất cho người dân, bảo đảm tăng trưởng bền vững. Do đó, chương trình đầu tư, chính sách liên quan của nhà nước đòi hỏi sự đầu tư thông minh, quan tâm sử dụng nguồn năng lượng sạch...
Về một số nội dung trọng tâm trong kế hoạch tái cơ cấu kinh tế, ĐB kiến nghị các thành phần kinh tế nhà nước nên tập trung vào các nhiệm vụ, quyết sách lớn như hạ tầng, an ninh, quốc phòng và nên nhường cho các thành phần kinh tế khác thực hiện các ngành, lĩnh vực phát triển. Ngoài ra, nên ủng hộ, khuyến khích hình thành tập đoàn kinh tế, tổng công ty lớn và không phân biệt các thành phần kinh tế. Thiết nghĩ chỉ có những tập đoàn, tổng công ty lớn, DN lớn mới có nguồn lực tạo giá trị gia tăng, dịch vụ tốt mang tính dẫn dắt.
Nên chọn 5- 7 ngành mũi nhọn
Góp ý kiến về vấn đề này, đại biểu Trần Anh Tuấn (TP.HCM) cho rằng, đối với đề án tái cơ cấu 2016-2020, cần tập trung sự phát triển mang tính đặc thù của vùng. Một số nguồn lực cần phải có sự phân bổ phù hợp với điều kiện phát triển của vùng, của địa phương, trong đó vùng kinh tế trọng điểm phía nam có đóng góp lớn trong phát triển, cho ngân sách TƯ.
Đề xuất khi thực hiện các giải pháp phát triển vùng cần có đề án phát triển, chọn ra những ngành đang có lợi thế cạnh tranh của vùng để thực hiện thí điểm. Ví dụ phát triển cụm liên kết chuỗi giá trị ngành điện - điện tử, ngành logistic tại vùng kinh tế trọng điểm phía nam.
![]() |
Đại biểu Trần Anh Tuấn |
Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Phạm Quang Thanh (Đoàn Hà Nội) cũng nhấn mạnh, đầu tư cho du lịch rẻ, “chúng ta không có lợi thế tuyệt đối, chúng ta cũng đẹp vừa vừa, chỉ có một số lợi thế như an ninh, không có lợi thế gì để khách ùn ùn đến cả”. Tái cơ cấu nền kinh tế nên chọn 5-7 mũi nhọn.
“Chúng ta cũng quá nhiều vùng, chúng ta mạnh dạn đầu tư 3-4 vùng trọng điểm để cho mạnh hẳn, chấp nhận trong giai đoạn ngắn mất cân bằng. Chúng ta xây đề án tái cơ cấu, phải xem bên ngoài người ta làm gì đã. Không đánh giá kỹ bên ngoài thì cứ đóng của để phát triển thì sản phẩm làm ra có khi không bán được. Mình tái cơ cấu, thế giới cũng tái cơ cấu, mình phải theo thế nào chứ không một mình một hướng được, vì mình chưa phải nền kinh tế lớn” – đại biểu Phạm Quang Thanh nói.
Trong khi đó, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh cho rằng chúng ta đã có gần 5 năm thực hiện tái cơ cấu nến kinh tế,. Báo cáo thể hiện sự công phu, chỉ ra rõ trách nhiệm, việc làm được, chưa làm được. Tuy nhiên, kết quả tái cơ cấu cho đến nay chưa rõ nét để đáp ứng được yêu cầu đề ra, chưa làm rõ được mô hình tăng trưởng và phương thức phân bổ nguồn lực. Các địa phương chưa hiểu rõ vấn đề tái cơ cấu, chưa có trong suy nghĩ, hành động. Muốn tái cơ cấu phải có luật, nhưng ở đây mới thông qua được vài luật.
“Trong tái cơ cấu, nên phát huy nội lực, đặc thù của đất nước ta: phải bảo vệ môi trường, sử dụng năng lượng tái tạo, tăng trưởng xanh. Đất nước ta môi trường sinh thái đẹp thế này, dứt khoát chúng ta phải hướng đến trọng tâm tái cơ cấu là phải bảo vệ môi trường và tăng trưởng xanh. Chúng ta nên tập trung phát triển ngành du lịch vừa giữ môi trường, vừa phát huy truyền thống văn hoá lịch sử” – ĐB Quốc Khánh nói.