Tại 1 bệnh viện: Hàng trăm ca cấp cứu, nhồi máu cơ tim sau khi uống rượu dịp Tết
BS Trần Hòa kiểm tra sức khỏe bệnh nhân nhồi máu cơ tim sau khi uống rượu |
Điển hình là trường hợp anh V. V. H, 30 tuổi, cấp cứu ngày mùng 5 Tết. Sau khi uống rượu, anh bị nôn nhiều và đau thắt ngực, nghĩ do tiêu hóa và mệt do rượu nên anh nằm nghỉ. Tuy nhiên, cơn đau thắt ngực trở nên nghiêm trọng kèm theo khó thở, vã mồ hôi. Anh được đưa đến bệnh viện gần nhà, tiến hành các xét nghiệm và được chẩn đoán là nhồi máu cơ tim cấp vùng trước rộng.
Sau khi được chuyển cấp cứu đến Bệnh viện ĐH Y dược, thực hiện các thủ thuật chuyên sâu, các bác sĩ phát hiện động mạch vành bên trái (nhánh liên thất trước) bị tắt hoàn toàn và có dấu hiệu bóc tách kèm huyết khối, nhồi máu cơ tim diện rộng và đã có dấu hiệu suy tim. Sau khi được can thiệp hút huyết khối trong lòng động mạch vành và đặt stent tái thông động mạch bị tắc, tình trạng sức khoẻ bệnh nhân đã hồi phục.
Một trường hợp khác là cụ ông L.H.L. sinh năm 1927, đột ngột ngất sau khi uống rượu vào ngày mùng 3 Tết. Sau khi được sơ cứu tại bệnh viện gần nhà, ông được chẩn đoán là nhồi máu cơ tim cấp thành dưới có biến chứng loạn nhịp tim gây ngất, và chuyển cấp cứu đến Bệnh viện ĐH Y dược. Kết quả kiểm tra cho thấy, ông bị tắc hoàn toàn đoạn giữa động mạch vành bên phải và được tái thông, đặt stent nơi tắc nghẽn.
ThS BS. Trần Hòa - Phó Trưởng khoa Tim mạch can thiệp Bệnh viện ĐH Y dược cho biết, 2 trường hợp trên rất dễ bị bỏ sót vì khởi phát đều dùng rượu, các triệu chứng nhồi máu cơ tim cấp rất dễ bị nhầm lẫn với các triệu chứng say rượu hoặc các vấn đề về tiêu hóa như buồn nôn, nôn, đau vùng ngực hay vùng thượng vị sau khi nôn… Nếu can thiệp trễ, rất có thể bệnh nhân sẽ bị chậm nhịp tim, ngưng tim, vỡ tim và tử vong.
BS Trần Hòa khuyến cáo, hiện nay bệnh lý nhồi máu cơ tim có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng và lứa tuổi nào, vì thế không thể chủ quan với các trường hợp đau thắt ngực kéo dài hơn 15 phút, nhất là trong các dịp lễ Tết hay sau các buổi tiệc tùng.