Syria căng thẳng sau phủ quyết ở LHQ
Syria căng thẳng sau phủ quyết ở LHQ
Nga và Trung Quốc phủ quyết Nghị quyết trừng phạt Syria của Liên Hợp Quốc |
Hôm qua, sau khi Nghị quyết của Liên hợp Quốc lên án bạo lực ở Syria không được thông qua, lực lượng đối lập ở Syria và các chính phủ ủng hộ lực lượng này đã thúc đẩy nỗ lực gây sức ép lên tổng thống Bashar Al-Assad ngừng đàn áp các cuộc biểu tình.
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ, Recep Tayyip Erdogan nói rằng nước này sẽ xúc tiến các lệnh cấm vận Syria bất kể thất bại của Liên Hợp Quốc trong việc thông qua Nghị quyết do Nga và Trung Quốc phủ quyết hôm thứ 3.
Liên minh châu Âu cũng đã áp đặt nhiều lệnh cấm vận lên Syria trong mấy tháng vừa qua, trong đó có lệnh cấp nhập dầu thô của Syria và cấm đầu tư vào lĩnh vực dầu mỏ của nước này.
Hội đồng quốc gia Syria, nhóm đối lập thân phương Tây mới được thành lập, đang tìm kiếm sự công nhận của các chính phủ là nhóm đối lập chính ở Syria và gây sức ép lên Liên đoàn Ả Rập để đạt được sự nhất trí chống lại chính quyền Assad, giống như chiến lược mà lực lượng nổi dậy ở Lybia đã áp dụng.
Các nhà ngoại giao Nga bày tỏ quan ngại rằng dự thảo Nghị quyết của Liên Hợp Quốc có thể mở đường cho các hành động tương tự như biến cố ở Libya, khi đó Nghị quyết của Liên Hợp Quốc đã mở đường cho các cuộc không kích và cuối cùng là sự sụp đổ của chính quyền nước này.
Các quan chức Mỹ và châu Âu trong đó nhiều người đã tiên lượng được nghị quyết của Liên Hợp Quốc sẽ bị phủ quyết, nói rằng họ sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách làm suy yếu chính quyền của ông Assad bằng việc áp dụng đồng thời lệnh cấm vận và tăng cường mối quan hệ với lực lượng đối lập ở Syria.
Các quan chức này cho rằng động thái áp đặt lệnh cấm vận tài chính của Thổ Nhĩ Kỳ đối với Damascus kết hợp với lệnh phong tỏa dầu của EU sẽ làm giảm mạnh nguồn lực tài chính của Assad dùng để nuôi quân đội. Họ hi vọng sự xói mòn về tài chính của chính quyền Assad sẽ gây chia rẽ giữa chính quyền và quân đội. Hiện khoảng 1 phần 3 ngân sách của Syria cấp cho quân đội được lấy từ doanh thu từ xuất khẩu năng lượng cho các nước châu Âu.
Tuy nhiên, ngay cả khi các quốc gia mở rộng các lệnh cấm vận lên Syria, nước này vẫn có thể giao thương với các đối tác quan trọng, đáng chú ý là Iraq, Ả Rập Xê út và Trung Quốc.
Lê Dung