Suy tạng vì nuốt mật cá trắm bồi bổ sức khỏe
Bệnh nhân đang được điều trị tại bệnh viện. |
Theo người nhà bệnh nhân kể, anh N. đã nuốt mật cá trắm sống, cùng với một chén rượu mơ vào buổi trưa cùng ngày. Một tiếng sau, bệnh nhân xuất hiện những cơn đau âm ỉ ở vùng bụng quanh rốn, nôn nhiều ra thức ăn kèm theo đại tiện phân lỏng liên tục. Tuy vậy, gia đình vẫn tiếp tục để bệnh nhân ở nhà theo dõi. Đến khoảng 16h cùng ngày, bệnh nhân đau bụng ngày càng tăng, tiếp tục đi ngoài phân lỏng nhiều lần nên gia đình đã đưa bệnh nhân vào viện cấp cứu.
Tại phòng khám cấp cứu của Viện Y học Biển, các bác sĩ sơ bộ chẩn đoán đây nhiều khả năng là một trường hợp ngộ độc mật cá trắm và đã nhanh chóng thực hiện các biện pháp cấp cứu, hồi sức cần thiết cho bệnh nhân. Bệnh nhân sau đó được chuyển đến khoa Hồi sức tích cực theo dõi và điều trị. Các kết quả xét nghiệm sau đó cho thấy tình trạng suy tạng nặng nề do ngộ độc: men gan tăng rất cao (GOT: 6350U/l, GPT: 4740 U/L (gấp từ 150 đến > 200 lần giá trị bình thường).
Nhận định được đây là một trường hợp ngộ độc mật cá trắm nặng đã có biểu hiện của hủy hoại tế bào gan cần phải xử trí cấp cứu ngay lập tức, bệnh nhân được tiếp tục cấp cứu điều chỉnh các rối loạn nước điện giải, lợi tiểu, uống than hoạt tính, nhuận tràng và theo dõi sát các biểu hiện suy tạng có thể xảy ra tiếp theo (VD: suy thận cấp, suy gan cấp, rối loạn đông máu…).
Sau 12h điều trị, tình trạng bệnh nhân dần ổn định, đỡ đau bụng, không đi ngoài thêm, tiểu được 2000mL, men gan giảm xuống còn GOT: 2500 U/L, GPT: 3170U/L; không xuất hiện thêm các triệu chứng suy giảm chức năng các tạng khác … khiến bệnh nhân, người nhà cùng các bác sĩ trong khoa hết sức vui mừng.
BSNT Nguyễn Bảo Nam – Trưởng khoa Cấp cứu, hồi sức tích cực và chống độc biển, Viện Y học biển, cho biết, khi uống mật cá trắm, bệnh nhân đã vô tình đưa vào cơ thể một lượng lớn alcol steroid gọi là 5a. cyprinol, gây rối loạn chuyển hóa các bộ phận của cơ thể và gây độc, đặc biệt đối với thận và gan.
Người dân thường nuốt sống cả túi mật với nước, rượu, hoặc trộn với rượu và mật ong. Mật của cá trắm từ 3 kg trở nên chắc chắn gây ngộ độc, và có thể gây tử vong sau 2 ngày. Bệnh nhân ngộ độc mật cá trắm, trường hợp nhẹ thường có biểu hiện rối loạn tiêu hóa như đau bụng, nôn và đại tiện phân lỏng nhiều lần, nhưng tiểu tiện vẫn bình thường.
Trường hợp nặng có thể dẫn đến suy thận cấp, suy gan cấp, suy đa tạng, hôn mê và có thể tử vong. Phác đồ điều trị cơ bản là nhanh chóng thải trừ chất độc ra khỏi cơ thể, điều chỉnh các rối loạn nưóc, điện giải, kiềm toan. Trường hợp nặng có thể gây viêm hoại tử ống thận gây suy thận cấp, cần phải lọc máu ngoài thận cấp cứu.
Điều đáng nói ở đây là mặc dù đã có nhiều cảnh báo của các chuyên gia trên các phương tiện thông tin đại chúng về sự nguy hiểm của ngộ độc mật cá trắm, song vẫn có rất nhiều người vẫn tin vào những câu chuyện được “nghe đồn”, “rỉ tai” nhau để nuốt mật cá trắm với mục đích chữa các bệnh đường tiêu hóa, nâng cao sức khỏe….
Hiện nay, chưa có công trình khoa học nào chứng minh tác dụng điều trị bệnh của mật cá trắm cũng như mật của một số loài động vật khác. Lý lẽ của những người sử dụng mật cá trắm với mục đích trên thường là nghe nói đó là cách điều trị bệnh của Y học cổ truyền tuy nhiên trên thực tế thì không có bài thuốc nào của Y học cổ truyền có cách sử dụng mật cá trắm như trên cả.
Qua trường hợp bệnh nhân này, bác sĩ Nguyễn Bảo Nam cảnh báo, người dân không nên tự ý chữa bệnh tại nhà, đặc biệt không áp dụng các bài thuốc truyền miệng, không có căn cứ khoa học vì có thể dẫn đến những tai nạn nguy hiểm chết người. Do vậy, người dân không nên dùng mật cá trắm để chữa bệnh, đừng nên tự tổn hại sức khỏe bản thân vì thiếu hiểu biết.