Sùi mào gà, giang mai, lậu gia tăng ở người trẻ
Đến khám bệnh trong tâm lý xấu hổ, chị Lê Thị Diệu T. (22 tuổi, ngụ tại Bình Tân, TP.HCM) chia sẻ bản thân chị không biết mình bị lây nhiễm bệnh qua đường tình dục.
Gần đây, chị thấy mình hay đi tiểu buốt, đau vùng chậu. Chị nghĩ do viêm tiết niệu nên mua kháng sinh về uống. Tuy nhiên, 1 tuần sau bạn trai chị nhắn tin báo đã bị bệnh lậu nên bảo chị T. đến viện tự kiểm tra.
Bản thân chị T. vô cùng xấu hổ, ngại đi khám. Khi đọc trên mạng bệnh có thể gây vô sinh, chị T. mới đến bệnh viện khám nhưng tâm trạng vẫn lo lắng, sợ mang tiếng mắc bệnh “xấu xa”.
Cũng đến khám tại bệnh viện, ông Nguyễn Đức Đ. (45 tuổi, ngụ tại TP.HCM) thấy lo lắng và xấu hổ. Khi tiếp xúc với bác sĩ ông Đ. vòng vo không nói rõ triệu chứng. Bác sĩ cho ông làm các xét nghiệm thì chẩn đoán là bệnh sùi mào gà.
Bác sĩ yêu cầu vợ, bạn tình đến khám, ông Đ. mới thú thật đã ly hôn 2 năm, gần đây có quan hệ với gái mại dâm nhưng không nhớ rõ người đó ở đâu.
Tại BV Da liễu TP.HCM, các bác sĩ cảnh báo bệnh lây qua đường tình dục ngày càng tăng lên. Nhiều bệnh nhân mới chỉ 15 - 16 tuổi đến khám và mắc các bệnh về lậu, giang mai... đặc biệt là trong nhóm nam quan hệ đồng giới.
Nguyên nhân là do hiện nay tuổi dậy thì ở trẻ sớm hơn, lứa tuổi thanh thiếu niên kinh nghiệm sống còn thiếu nên không được hướng dẫn quan hệ tình dục an toàn, dẫn tới bệnh lây qua đường tình dục cao hơn các lứa tuổi thông thường.
Theo BS.CKII Bùi Mạnh Hà - Trưởng Khoa Lâm sàng 3, Bệnh viện Da Liễu TP.HCM khi người bệnh mắc bệnh tình dục họ tự ti và cho rằng mình mắc căn bệnh xấu xa. Vì vậy, người bệnh thường tìm kiếm các thông tin không chính thống, nghe người này người kia mách, ngại không đi khám dẫn đến nhiều trường hợp bệnh sang mãn tính.
Các bệnh lây qua đường tình dục là lây qua hoạt động tiếp xúc và quan hệ tình dục. Theo bác sĩ Hà, hiện có khoảng 30 nhóm tác nhân lây qua đường tình dục nhưng CDC Hoa Kỳ thống có khoảng 8 tác nhân hay gặp nhất như vi khuẩn giang mai, lậu, chlamydia, do virus có HPV, herpes sinh dục, HIV.
Bệnh lây qua đường tình dục không điều trị có thể gây các biến chứng như viêm vùng chậu, vô sinh, thai ngoài tử cung, tổn thương cơ quan nội tạng, ung thư sinh dục hoặc thậm chí gây tử vong, ảnh hưởng tới thai nhi nếu bà mẹ có mang bệnh. Bệnh lây qua đường tình dục cũng có thể từ mẹ sang con, tiếp xúc với máu, các vết thương hở.
Các triệu chứng của bệnh lây qua đường tình dục:
Ở phụ nữ ra huyết trắng bất thường (có màu hay có mùi lạ), ở nam giới chảy mủ hoặc ra dịch đục ở lỗ tiểu đầu dương vật và thường kèm theo tiểu rát buốt. Phụ nữ bị ra huyết âm đạo giữa kỳ kinh hoặc nhìn thấy máu sau khi quan hệ tình dục.
Bệnh nhân có các vết lở loét, hay mụn nước xuất hiện ở bộ phận sinh dục, sưng tấy và đau ở vùng sinh dục, nổi các nốt chồi sùi, u nhú vùng sinh dục.
Khi điều trị bệnh lây qua đường tình dục, bác sĩ Hà cho biết người bệnh cần kiêng quan hệ tình dục và giảm số lượng bạn tình, không quan hệ tình dục (cả bằng đường miệng, âm đạo và hậu môn).
Để phòng bệnh, cách tốt nhất sống chung thuỷ chế độ một vợ một chồng. Khi quan hệ tình dục, dùng bao cao su latex thường xuyên và đúng cách mỗi khi quan hệ tình dục là một trong những phương pháp quan trọng nhất giúp giảm nguy cơ nhiễm bệnh cho tất cả các bệnh lây qua đường tình dục.
Khi điều trị bệnh lây qua đường tình dục, bệnh nhân cần trò chuyện chia sẻ với vợ, chồng hoặc bạn tình để tăng hiệu quả điều trị hơn.
Bệnh lây qua đường tình dục do virus có thể tái phát nếu người bệnh hạn chế tiếp xúc thêm nguồn lây, tăng cường miễn dịch cho cơ thể khả năng tái phát sẽ giảm hơn.
Nếu có tổn thương xuất hiện, người bệnh cần tới khám ngay để được bác sĩ khám và điều trị kịp thời. Còn trường hợp không có biểu hiện xuất hiện tái phát của bệnh tình dục thì bạn có thể kiểm tra 6 tháng/lần.
Khánh Chi