Sức nóng căng thẳng Biển Đông bao trùm Đối thoại Shangri-La
Theo tờ The Straits Times, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long sẽ có bài phát biểu chính thức vào tối nay (theo giờ địa phương), mở màn diễn đàn thường niên kéo dài 3 ngày do Viện Nghiên cứu An ninh quốc tế (IISS) chủ trì.
Nhật Bản và Ấn Độ cũng đang mong muốn mở rộng tầm ảnh hưởng quân sự, trong bối cảnh Mỹ tiếp tục tăng cường chính sách cân bằng tại châu Á - Thái Bình Dương.
Đô đốc Tôn Kiến Quốc, Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc là người dẫn đầu phái đoàn nước này tới tham dự Đối thoại Shangri-Lanăm nay. |
Điều đáng nói, hội nghị năm nay thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ các quốc gia châu Âu. Trong đó, Bộ trưởng quốc phòng Pháp, Đức và Tây Ban Nha đã xác nhận tham dự.
Về phía Trung Quốc, Đô đốc Tôn Kiến Quốc, Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc là người dẫn đầu phái đoàn gồm 29 quan chức và quan sát viên đến dự Đối thoại Shangri-La.
Việc Trung Quốc cử một tướng hải quân bốn sao tới hội nghị năm nay cho thấy Bắc Kinh đã dự tính trước được việc các vấn đề liên quan tới hành động xâm phạm chủ quyền trên Biển Đông sẽ trở thành đề tài chính được đưa ra thỏa luận trong cuộc họp năm nay.
Hôm 26/5, Trung Quốc đã công bố Sách trắng quốc phòng trong đó chú trọng tới nâng cao năng lực hải quân đồng thời cáo buộc các thế lực bên ngoài đang "làm xấu thêm" tình hình trên Biển Đông.
Đối thoại Shangri-La năm nay diễn ra trong bối cảnh tình hình căng thẳng trong khu vực không ngừng gia tăng trước hành động ồ ạt cải tạo và xây đảo nhân tạo trên Biển Đông.
Các nguồn tin ngoại giao cho hay tại Đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter sẽ đưa ra những cam kết mạnh mẽ về việc đảm bảo các tuyến đường biển trên Biển Đông vẫn được khai thông và duy trì các quy tắc tự do hàng hải.
Trong tháng này, phát biểu trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á-Thái Bình Dương Daniel Russel nhấn mạnh việc Trung Quốc cải tạo quy mô lớn mà trước đây chỉ là những thực thể nhỏ bé nằm dưới mặt nước, đã tạo ra hàng loạt các đảo nhân tạo nổi trên mặt biển.
Thậm chí, 3 trong số những khu vực mà Trung Quốc tiến hành bồi đắp hiện có diện tích lớn hơn cả thực thể tự nhiên nằm trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng đang tiến hành khai hoang tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
"Đây là lần đầu tiên, một phiên họp đặc biệt sẽ tập trung vào thảo luận các vấn đề an ninh liên quan tới những quốc gia nhỏ bé", Giám đốc phụ trách khu vực châu Á tại IISS, Tiến sĩ Tim Huxley nói.
Cuộc họp tại Singapore năm nay sẽ tập trung vào thỏa luận 3 vấn đề chính tại châu Á. Thứ nhất, chiến lược tái cân bằng châu Á của Mỹ đang có những bước tiến đều. Thứ hai, Nhật Bản và Ấn Độ đang nổi lên giữ vai trò ngày càng quan trọng trong chiến lược cân bằng an ninh ở châu Á với sự trợ giúp của Mỹ. Thứ ba, hầu hết các quốc gia châu Á đang mạnh tay chi tiêu ngân sách quân sự. Năm nay, Trung Quốc đã cho công bố khoản chi quốc phòng lên tới 145 tỷ USD.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin The Straits Times, một nhật báo khổ rộng tiếng Anh, được xuất bản tại Singapore, có chủ sở hữu là Singapore Press Holdings (SPH). Đây là tờ báo lâu đời nhất và cũng có doanh số bán cao nhất nước, trong đó ấn bản chủ nhật Sunday Times có lượng lưu hành đến gần 365.000 bản.