Sức mạnh kinh tế không đủ giúp Trung Quốc đứng vị trí số 1 thế giới
Gần đây, cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc đang ngày càng tăng và đã lan sang vũ đài kinh tế và thể chế. Mỹ đang dẫn đầu trong việc thúc đẩy Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một thỏa thuận tự do thương mại mới trong khu vực mà không có sự tham gia của Trung Quốc. Và Bắc Kinh đang tiến hành chiến lược chuyển đổi sức mạnh kinh tế sang vai trò lãnh đạo trong khu vực.
Trung Quốc đang khiến nhiều nước láng giềng cảm thấy bị đe dọa. |
Trong khi trước đây, Trung Quốc sử dụng các kênh song phương để xây dựng các mối quan hệ và giành ảnh hưởng trong khu vực, thì hiện nay nước này đang dẫn đầu các sáng kiến đa phương bao gồm Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á trị giá 50 tỷ USD và Quỹ Con đường Tơ lụa trị giá 40 tỷ USD.
Trong đó, Quỹ Con đường Tơ lụa là nhằm xây dựng một mạng lưới các cơ sở hạ tầng thương mại và vận tải nối liền Trung Quốc với Trung Á, Nam Á, Trung Đông và châu Âu. Những dự án này được cho là có mục đích làm lu mờ vai trò của Ngân hàng Phát triển Châu Á và Ngân hàng Thế giới tại châu Á. Đồng thời chúng cũng làm lung lay nền tảng trật tự khu vực do Mỹ thiết lập sau Chiến tranh Thế giới thứ II.
Bắc Kinh cũng đang đẩy mạnh mặt trận thương mại đa phương trong khu vực, bao gồm dự án thành lập Khu vực Thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP). FTAAP có thể trở thành một đối thủ cạnh tranh trực tiếp với TPP, dự án trung tâm trong chính sách “trục châu Á” của Mỹ.
Tàu Trung Quốc đang phun vòi rồng về phía tàu Việt Nam gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam hôm 3/5/2014. |
Tuy nhiên, theo The Diplomat, những chiến lược trên vẫn khó có thể giúp Trung Quốc thay thế vị trí lãnh đạo khu vực của Mỹ. Mặc dù hệ thống hiện tại là một sản phẩm của Mỹ và ủng hộ các lợi ích của Mỹ, nhưng nó cũng là một hệ thống cởi mở, dựa trên các nguyên tắc.
Theo ông John Ikenberry, giáo sư chính trị và quan hệ quốc tế tại Viện Đại Học Princeton, các nước chấp nhận vai trò lãnh đạo của Mỹ vì họ được giải thích về cách thức xây dựng và duy trì trật tự khu vực.
Các quốc gia trong khu vực đang hoạt động rất tốt với sự ổn định và nguyên tắc có đi có lại của trật tự hiện tại và không muốn từ bỏ các mối quan hệ hợp tác hiện có ngay cả khi họ được hứa hẹn sẽ được hỗ trợ hàng tỷ USD.
Nếu chỉ hào phóng về kinh tế thì Trung Quốc không thể có được vai trò lãnh đạo, bởi vì an ninh mới là mối quan tâm chủ chốt của tất cả các nước. Trật tự do Mỹ tạo ra được cho là đang rất bền vững vì nó khiến cho đa số chính phủ và người dân trong khu vực cảm thấy an toàn.
Trung Quốc có thay thế được vị trí của Mỹ tại châu Á? |
Washington đã dành vị trí lãnh đạo mà không khiến các nước khác cảm thấy bị đe dọa về toàn vẹn lãnh thổ, an ninh và tự chủ. Thành quả lớn nhất của Mỹ là các mạng lưới liên minh không chỉ giúp chống lại các mối đe dọa bên ngoài mà còn giúp Mỹ quản lý các mối quan hệ song phương, khiến cho vai trò của Mỹ trở nên đáng tin cậy và thân thiện hơn.
Các nước sẽ không chấp nhận một nước lớn đóng vai trò lãnh đạo vì bất cứ lý do gì nếu họ cảm thấy không an toàn.
Trong khi đó, mặc dù có những lời mời về kinh tế béo bở nhưng Bắc Kinh đang khiến nhiều nước trong khu vực lo ngại. Ông Tập Cận Bình từng tuyên bố rằng “an ninh của châu Á nên để cho người châu Á lo” nhưng các nước trong khu vực vẫn nghi ngờ rằng liệu việc Trung Quốc thay thế vị trí của Mỹ có phải là cách thức đảm bảo tốt nhất các lợi ích của khu vực hay không. Những nghi ngờ này càng tăng sau những hành động hung hăng của Trung Quốc trong các tranh chấp hàng hải tại Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Đảm bảo an ninh là nhiệm vụ chính của một quốc gia đóng vai trò lãnh đạo. Do đó, nếu muốn lãnh đạo, Trung Quốc cần phải thuyết phục các nước láng giềng rằng Bắc Kinh sẽ không đe dọa đến an ninh của họ.
Trung Quốc không nên để các quốc gia khác phải đặt những câu hỏi như: Trung Quốc sẽ thực thi quyền lực một cách mạnh mẽ và hung hăng, hay dựa trên các nguyên tắc? Trung Quốc sẽ hành động để tối đa hóa lợi ích ngắn hạn của Bắc Kinh hay vì sự ổn định dài hạn của khu vực? Trung Quốc sẽ là một mối đe dọa an ninh, hay là một quốc gia đóng vai trò đảm bảo an ninh?
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin The Diplomat, một tạp chí có trụ sở ở Tokyo, chuyên về chính trị, văn hóa và xã hội tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.