Sự thật về xét nghiệm máu phát hiện nhiều bệnh ung thư cùng lúc
Ảnh minh họa. Nguồn Internet |
Xét nghiệm máu tầm soát ung thư
Tổ chức Ung thư toàn cầu GLOBOCAN thống kê năm 2018 Việt Nam có 164.671 ca mới mắc ung thư, 114.871 người tử vong do bệnh này. Toàn cầu hiện có khoảng 23 triệu người bị ung thư, trong đó mỗi năm có hơn 14 triệu người mắc mới và 8,2 triệu người tử vong. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp Việt Nam nằm trong 50 nước thuộc top 2 của bản đồ ung thư. Top một gồm 50 nước có tỷ lệ mắc bệnh cao nhất.
Người dân sợ hãi căn bệnh ung thư và trước những thông tin về việc sàng lọc sớm phát hiện ung thư là vô cùng cần thiết và trở thành chìa khóa vàng trong công tác phòng chống ung thư. Vì thế, hàng loạt các gói tầm soát ung thư ở Việt Nam ra đời. Nhiều người đã chia sẻ gói tầm soát ung thư ra đời như nấm mọc sau mưa. Các gói tầm soát gây nhiêu tranh cãi nhất đó là xét nghiệm máu phát hiện sớm được ung thư.
Theo TS Nguyễn Hồng Vũ - Viện Nghiên cứu ung thư, City of Hope, California, USA, Cố vấn khoa học của tổ chức phi chính phủ Ruy Băng Tím, các xét nghiệm máu hay còn gọi là sinh thiết lỏng có thể phân tích được các thành phần của tế bào bướu như DNA, RNA, protein, exosome hoặc cả tế bào bướu trong các dịch khác nhau của cơ thể như máu, nước tiểu, dịch não tủy hoặc nước bọt. Việc thu nhập những chất dịch cơ thể này thường đơn giản, ít xâm lấn và dễ thực hiện nhiều lần so với sinh thiết mô.
Các công nghệ ngày càng phát triển cho phép phân tích các phân tử tế bào và các sản phẩm khác của khối u ngày càng đầy đủ, chính xác hơn.
TS Nguyễn Hồng Vũ trong phòng thí nghiệm. |
Tuy nhiên, hiện nay công nghệ này hầu hết chủ yếu được sử dụng để theo dõi sự phát triển, đáp ứng thuốc của khối u trong điều trị, còn trong phát hiện sớm ung thư, đây chỉ mới được xem là phương pháp tiềm năng cho việc sàng lọc ung thư trong tương lai.
Nguyên nhân do các xét nghiệm này đôi khi có kết quả dương tính giả, nghĩa là phát hiện dấu hiệu ung thư ngay cả khi không có ung thư. Hơn nữa, xét nghiệm này có thể sẽ phát hiện sớm các khối u phát triển chậm hoặc không phát triển dẫn đến việc điều trị quá mức. Do đó, việc sử dụng sinh thiết lỏng như phương pháp chẩn đoán ung thư vẫn chưa được chấp thuận và cần thêm thời gian nghiên cứu thêm để tăng độ tin cậy.
Bê bối trong nghiên cứu ứng dụng xét nghiệm máu để chẩn đoán ung thư ở Đức
TS Vũ chia sẻ những người làm khoa học đặc biệt là giới khoa học nghiên cứu về ung thư đều biết, mới đây, Ủy ban của một trường đại học ở Đức đã công bố bằng chứng về “hành vi khoa học sai trái nghiêm trọng” của Chiristof Sohn – Giám đốc phòng khám phụ nữ tại Bệnh viện Đại học Heidelberg. Chiristof Sohn là nhà nghiên cứu chính của một phương pháp xét nghiệm máu nhằm phát hiện ung thư vú. Phương pháp này đang được quảng cáo đại trà cho cộng đồng nhưng cũng bị giới khoa học nghi ngờ với nhiều câu hỏi chưa lời đáp.
Vụ việc bắt đầu vào tháng 2 năm 2019, Shon quảng cáo sinh thiết lỏng dựa trên xét nghiệm máu là một lựa chọn mới, mang tính cách mạng trong các thông cáo báo chí trên các trang web của cả bệnh viện và công ty HeiScreen DmbH – một công ty phụ trợ. Các tổ chức nghiên cứu đã công bố rằng xét nghiệm dựa trên việc tìm kiếm 15 dấu ấn sinh học liên quan tới ung thư có độ nhạy từ 80 đến 90 % đối với một số nhóm phụ nữ ung thư vú. Thông cáo này còn cho biết thử nghiệm này trên một nghiên cứu với 900 phụ nữ và sẽ được thương mại hóa trong năm 2019.
Tuy nhiên, trước đó trong một bài trình bày của mình, Sohn lại cho rằng phương pháp này có độ đặc hiệu từ 45 % đến 73 % tương đương với tỷ lệ dương tính giả rất cao lên tới 55 %. Điều này không thể chấp nhận được cho một phương pháp xét nghiệm ứng dụng trong lâm sàng.
Vào tháng 7/2019, một hội đồng bên ngoài do hội đồng bệnh viện thành lập đã trình bày kết quả điều tra sơ bộ. Aimone Schwanitz, người đứng đầu hội đồng bên ngoài và là trưởng bộ phận khoa học ở bang Baden-Wurmen, Đức cho biết trong một tuyên bố kèm theo báo cáo rằng vụ bê bối đã gây ra thiệt hại uy tín cho trung tâm y tế ở Heidelberg. Trưởng khoa Y của trường đại học và cả Chủ tịch bệnh viện lẫn nhân viên tài chính đã từ chức.
Chính vì thế, TS Vũ nhấn mạnh việc sử dụng sinh thiết lỏng để chẩn đoán ung thư hiện nay vẫn còn trong giai đoạn nghiên cứu, cho thấy nhiều tiềm năng nhưng nó vẫn là phương pháp có độ đặc hiệu chưa cao, tỷ lệ dương tính giả nhiều. Việc sử dụng phương pháp này để phát hiện sớm ung thư làm tốn tiền người bệnh, gây nên sự lo lắng không đáng có cho họ thậm chí dẫn đến sai lệch định hướng điều trị.