Sự thật về năng lực của quân đội Nhật Bản
Sự thật về năng lực của quân đội Nhật Bản
>> Nhật Bản: Trung Quốc là mối nguy tiềm tàng
Quy mô và năng lực
Theo các số liệu thống kê, hiện nay quân đội Nhật Bản có khoảng 225.000 quân chính quy thường trực, bằng 1/10 so với quân số của Trung Quốc và bằng 1/5 so với Triều Tiên. Tuy nhiên, nếu xét về quân số thì quân đội Nhật vẫn đông hơn quân đội Anh – một cường quốc quân sự trên thế giới nên con số này trong sự so sánh tương quan với Trung Quốc và Triều Tiên chỉ mang tính “tham khảo” là chủ yếu.
Hiện nay quân đội Nhật đang được trang bị khá nhiều loại vũ khí, khí tài hiện đại, đắt tiền ví dụ như tàu khu trục có hệ thống tên lửa đạn đạo Aegis mà họ vừa triển khai hồi đầu năm nay nhằm đối phó với các nguy cơ có thể xảy ra từ vụ phóng tên lửa vệ tinh của Triều Tiên. Mới đây Nhật Bản cũng đã hoàn tất thương vụ mua thêm một số F -35 - phi cơ chiến đấu tàng hình thế hệ 5 do hãng Lockheed Martin sản xuất trị giá lên tới 10,2 tỷ yên (123 triệu USD).
Theo đánh giá của các chuyên gia quân sự, điểm yếu nhất của quân đội Nhật Bản (thường được gọi bằng cái tên Lực lượng phòng vệ quốc gia - SDF) là chưa được thử thách trong thực chiến. Kể từ sau chiến tranh thế giới thứ 2 đến nay, Nhật Bản đã không “tham gia” vào bất cứ một cuộc xung đột nào.
Nhật Bản, quốc gia duy nhất trên thế giới phải gánh chịu hậu quả của một vụ tấn công hạt nhân đã quyết định tự ngăn cấm việc sở hữu vũ khí hạt nhân và chấp thuận “núp” dưới cái bóng của Hoa Kỳ - đồng minh chiến lược của họ. Cũng chính bởi kỳ được Hoa Kỳ “bảo bọc” khá kỹ nên đến nay SDF không có một số loại vũ khí “hàng khủng” như tàu sân bay tấn công hay máy bay ném bom chiến lược tầm xa.
Giới hạn ngân sách
Trái ngược với đà tăng liên tục “đáng lo ngại” trong nguồn ngân sách dành cho quốc phòng của Trung Quốc thì trong 10 năm liên tục trở lại đây ngân sách quốc phòng của Nhật Bản lại chỉ có… giảm. Trong năm tài chính 2012 (tính đến 31/3/2013), Nhật Bản chỉ có thể chi tối đa 59 tỷ USD cho ngân sách quốc phòng còn Trung Quốc đang sẵn sàng xuất quỹ khoảng 102 tỷ USD cho các hoạt động tương tự.
Điều số 9 trong Hiến pháp năm 1947 của Nhật Bản đã tuyên bố từ bỏ quyền phát động chiến tranh để giải quyết các tranh chấp quốc tế đồng thời cũng ra lệnh cấm việc duy trì quân đội. Có điều, Hiến pháp nước này lại không ngăn cấm sự tồn tại của một lực lượng vũ trang “Phòng vệ quốc gia” cũng như không cấm việc triển khai các hoạt động quân sự ở nước ngoài. Đây chính là cơ sở để Nhật tham gia một lực lượng quân đội không tham chiến đến Iraq hồi năm 2004.
Đến nay, các chính trị gia bảo thủ của Nhật đang lên tiếng mạnh mẽ đòi hỏi chính phủ và quốc hội nước này phải thay đổi chính sách “sợ súng đạn” nhằm tăng cường lực lượng quân sự, chuẩn bị đối phó với những nguy cơ hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên cũng như sự trỗi dậy đầy hiểm nguy của Trung Quốc.
Đồng minh Washington cũng đã liên tục gây áp lực yêu cầu Tokyo phải có những bước đi mạnh bạo hơn trong việc “đảm bảo an ninh toàn cầu”.
Hồi năm ngoái, Nhật Bản đã dỡ lệnh cấm xuất khẩu vũ khí do chính nước này ban hành, động thái nhằm mở rộng thị trường cho các nhà thầu quốc phòng cũng như các hoạt động hợp tác quân sự xuyên biên giới để tăng cường năng lực quốc phòng của mình.
Sự thay đổi trong bối cảnh khu vực
Cùng với những thay đổi quan trọng trong chính sách quốc phòng hồi năm 2010, Nhật Bản còn tiếp tục tăng cường các lực lượng thường trực của mình tại khu vực Tây Nam – vùng biển giáp ranh với Trung Quốc.
Trong thời gian qua, Trung Quốc cũng không ngừng củng cố và mở rộng năng lực quân sự của mình, đặc biệt là hải quân để tăng cường hoạt động trên các vùng biển châu Á, bao gồm cả vùng biển Đông Hải, nơi Trung Quốc và Nhật Bản vẫn có những tranh chấp chủ quyền gay gắt đối với quần đảo Senkaku (Điếu Ngư).
Sự căng thẳng giữa 2 quốc gia mạnh nhất châu Á này đã khiến Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda phải đề nghị chính phủ nước này xem xét việc mua lại những hòn đảo đang thuộc chủ quyền cá nhân ở vùng tranh chấp.
Chưa lo xong phía Trung Quốc, Nhật Bản còn có một mối bận tâm rất lớn khác đó là các chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên bởi gần như toàn bộ lãnh thổ nước này đều nằm trong tầm bắn của tên lửa tầm trung Nodong do Bình Nhưỡng sản xuất.
Hồi tháng 4 vừa qua, Nhật Bản và Hoa Kỳ đã thống nhất cho phép di chuyển 9.000 lính thủy quân lục chiến Mỹ từ căn cứ quân sự Okinawa đến đảo Guam – một hành động nằm trong chương trình “tái cân bằng lực lượng và lấy châu Á làm trung tâm” của Hoa Kỳ.
Mới đây, Lầu Năm góc đã cho triển khai lực lượng “trực thăng lai tiêm kích” Osprey đến Okinawa bất chấp sự phản đối của dân địa phương. Điều này cho thấy mối quan hệ quốc phòng Hoa Kỳ - Nhật Bản đã được “thắt chặt” hơn nữa.
Osprey là loại máy bay trực thăng có khả năng bay tốc độ cao hơn và tầm bay xa hơn các loại trực thăng thông thường, cho phép quân đội Mỹ có thể phản ứng nhanh đối với những xung đột có thể xảy ra trong khu vực xung quanh căn cứ Okinawa (ví dụ vùng quần đảo Senkaku).
Minh Tân