Sự thảm hại của khối Eurozone
Eurozone đang “mất giá” |
Mặc dù đã được hình thành nên khá lâu nhưng hiện số thành viên của Eurozone (khu vực đồng tiền chung châu Âu Euro) vẫn chỉ dừng lại ở con số 19. Trong thời gian dài vừa qua vẫn không có nước nào muốn thay đổi đồng nội tệ của mình để sử dụng đồng Euro. Dự kiến Eurozone sẽ phải mất nhiều năm nữa mới có thể đón chào thành viên thứ 20 của mình.
Nếu như trong vòng 9 năm gần đây, số lượng thành viên Eurozone đã tăng từ con số 7 lên thành 19 thì vài năm gần đây, Eurozone không kết nạp được thêm thành viên nào. Nguyên nhân của việc “quay lưng” này đối với đồng tiền Euro là do tâm lý không tin tưởng vào đồng tiền này kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính năm 2008.
Mặc dù vậy, chủ đề này mới đây lại tiếp tục được đưa ra bàn thảo vì Ủy ban châu Âu và Ngân hàng Trung ương châu Âu hiểu rõ rằng hiện chưa có nước nào trong số 7 nước (Bulgaria, Cộng hòa Czech, Crotia, Hungaria, Ba Lan, Romania và Thụy Điển) tiến hành các cuộc cải cách kinh tế và tài chính để gia nhập vào Eurozone.
Lãnh đạo 7 quốc gia trên đã từng bày tỏ mong muốn gia nhập Eurozone một vài năm trước nhưng thời gian gần đây họ dường như “quên” mất vấn đề này và trở nên im lặng. Một mặt, khi gia nhập EU, các nước này thường đưa ra tuyên bố về dự định sẽ tham gia vào Eurozone. Mặt khác, do cuộc khủng hoảng tài chính thường xuyên xảy ra nên lãnh đạo 7 nước trên lại không nhắc đến vấn đề này nữa.
Điển hình nhất cho xu hướng này là những tuyên bố của Lech Kaczinsky, thủ lĩnh đảng cầm quyền Ba Lan “Luật pháp và Công lý” đã tuyên bố rằng Ba Lan “sẽ gia nhập Eurozone sau 40 năm nữa…”.
Kết quả trưng cầu dân ý mới nhất do hãng Eurobarometer tiến hành hồi tháng 4 vừa qua cho thấy người dân các nước châu Âu vẫn còn nhiều ý kiến trái ngược nhau về việc gia nhập vào khu vực Eurozone.
Nếu như có đến 64% người dân Romania mong muốn đưa đất nước mình gia nhập Eurozone thì ở Cộng hòa Czech, con số này chỉ là 29%. Trong khi đó, để có thể gia nhập khu vực đồng tiền chung châu Âu, các quốc gia cần phải chứng minh khả năng có thể kiểm soát được lạm phát, kiềm chế mức lạm phát ở dưới 3% GDP và nợ quốc gia không quá 60% GDP. Trong số 7 nước kể trên hiện không có bất cứ nước nào có thể đáp ứng được các yêu cầu này.
Một lý do quan trọng khiến một số nước châu Âu không muốn gia nhập vào Eurozone là do ngoài những điểm tích cực, Eurozone vẫn còn nhiều điểm hạn chế nhất định.
Các quốc gia thành viên khu vực này phải chuyển quyền kiểm soát tỷ lệ lãi suất cho Ngân hàng Trung ương châu Âu quản lý. Tuy nhiên, các nước này lại không đồng ý thực hiện chính sách phá giá đồng tiền của mình trong giai đoạn xảy ra khủng hoảng kinh tế- một biện pháp quan trọng để khắc phục khủng hoảng kinh tế.
Hiện bản thân EU cũng phải thừa nhận rằng liên minh tiền tệ này đang có những điểm yếu nhất định. Ủy ban châu Âu đã rất tích cực hoạt động để khắc phục các điểm hạn chế này trong vòng 17 năm qua và đã đạt được một số thành công nhất định. Tuy nhiên, cơ quan này sẽ phải nỗ lực nhiều hơn nữa để có thể khắc phục hết được các hạn chế.
Daniel Gros, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách châu Âu ở Brussels cho rằng trước khi mở rộng, Eurozone cần phải hoàn toàn khắc phục được hậu quả của một số cuộc khủng hoảng kinh tế và mảng ngân hàng cần phải hoạt động một cách có hiệu quả. Chỉ khi đó quá trình tiếp nhận các thành viên mới mới được bắt đầu thực hiện. Brussels cho rằng Ba Lan có thể sẽ là ưu tiên hàng đầu của Eurozone.
Sở dĩ Eurozone sẽ kết nạp thêm Ba Lan đầu tiên vì người dân Ba Lan hiện vẫn đang tin tưởng rằng các quá trình liên kết với châu Âu sẽ đem lại lợi ích cho họ. Theo Eugeniusha Smolialra, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế ở Warswa, việc khôi phục Eurozone sẽ phải mất khoảng 7-10 năm.
Còn Ba Lan trong khoảng thời gian này sẽ không thể buông tay mà phải tiến hành các cuộc cải cách để đáp ứng tiêu chuẩn gia nhập Eurozone. Tuy nhiên, bối cảnh kinh tế chung ở châu Âu, ở Hy Lạp và cả Ba Lan đang khiến quá trình gia nhập Eurozone của Ba Lan và các quốc gia khác sẽ còn mất nhiều thời gian nữa.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ tờ “Expert – Chuyên gia”.