Sự "lộn xộn" trong Nhà Trắng của Tổng thống Donald Trump
Đó là một lời nhận xét mang tính chủ quan. Tuy nhiên, việc thư ký báo chí Sean Spicer từ chức hôm 21/7 mới đây là lời nhắc nhở cho thấy có một sự “lộn xộn” không hề nhỏ bên trong Nhà Trắng và bên trong bộ máy chính quyền của Tổng thống Donald Trump.
Washington Post đã liệt kê danh sách những quan chức Nhà Trắng từ chức hay buộc phải thôi việc trong 6 tháng kể từ khi ông Trump nhậm chức ngày 20/1/2017:
Ngày càng nhiều quan chức trong bộ máy chính quyền của ông Trump đột ngột xin từ chức. Nguồn: Washington Post |
Ngày 20/1, ông Trump chính thức bước chân vào Nhà Trắng. Các nhà ngoại giao nghiệp dư được bổ nhiệm dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama bị buộc phải ngừng làm việc ngay lập tức trong ngày hôm đó. Một mệnh lệnh hết sức bất thường.
Ngày 30/1, ông Trump sa thải Sally Yates, quyền Bộ trưởng Tư pháp khi bà nói rõ rằng sẽ không đề nghị Bộ Tư pháp bảo vệ lệnh cấm nhập cảnh của Tổng thống. Bà Yates cũng là nhân vật chủ chốt đã thu hút sự chú ý của Nhà Trắng vào cuộc đối thoại giữa cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn với đại sứ Nga tại Mỹ.
Ngày 13/2, ông Michael Flynn từ chức sau khi mới đảm nhiệm vị trí cố vấn an ninh được 23 ngày. Ông Flynn buộc phải từ chức sau khi Phó Tổng thống Mike Pence nói trong cuộc phỏng vấn với CBS rằng ông Flynn không nói đến các lệnh trừng phạt với đại sứ Nga nhưng thực chất là có.
Ngày 2/3, Tổng trưởng lý Jeff Sessions tự giải cứu mình khỏi các quyết định liên quan đến việc Nga can thiệp bầu cử Mỹ 2016.
Ngày 10/3, ông Sessions bất ngờ yêu cầu 46 chưởng lý đệ đơn từ chức. Preet Bharara, công tố viên quận phía nam New York, từ chối làm theo yêu cầu của Bộ trưởng tư pháp và đã ngay lập tức bị sa thải.
Ngày 9/5, Giám đốc FBI James Comey bị sa thải bởi chính Tổng thống Donald Trump. Hiện người kế nhiệm ông vẫn chưa được bổ nhiệm.
Ngày 30/5, Giám đốc truyền thông Nhà Trắng Mike Dubke từ chức sau ba tháng tại nhiệm.
Ngày 6/7, Giám đốc Cơ quan Đạo đức chính phủ Hoa Kỳ, Walter Shaub cũng xin từ chức. Sau đó ông đã nói với New York Times rằng ông lo lắng nước Mỹ sẽ trở thành “trò cười” khi muốn các quốc gia khác phải đạt được những tiêu chuẩn cao về đạo đức.
Ngày 20/7, Mark Corallo, phát ngôn viên cho nhóm luật sư bảo vệ ông Trump trong cuộc điều tra về Nga, đã từ chức. Luật sư trưởng Marc Kasowitz đã phải đảm nhận vị trí này.
Ngày 21/7, thư ký báo chí Nhà Trắng Sean Spicer từ chức sau khi ông Anthony Scaramucci được bổ nhiệm để thay thế ông Dubke, cựu Giám đốc truyền thông Nhà Trắng.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Sean Spicer là quan chức mới nhất từ chức trong bộ máy của Tổng thống Trump. Nguồn: Oregonlive |
Không chỉ có vậy, quá trình bổ nhiệm bộ máy hành chính của ông Trump cũng chậm chạp một cách bất thường. Cho đến nay, Tổng thống đã đề cử 146 người vào các vị trí khác nhau song mới chỉ có 50 người được chính thức bổ nhiệm. Hiện vẫn còn 357 vị trí ở Thượng viện vẫn chưa có ứng viên nào được công bố. Tốc độ này được cho là quá chậm so với các đời Tổng thống trước.
Danh sách nói trên chưa bao gồm những người có tên trong danh sách đề cử vào các vị trí tại Nhà Trắng của ông Trump nhưng họ đã xin rút tên trước khi được bổ nhiệm chính thức.
Vẫn chưa rõ việc ngày càng nhiều quan chức Nhà Trắng xin từ chức hay bị sa thải có ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động hàng ngày của Tòa Bạch Ốc, song nhiều chuyên gia cho rằng đây chính là sự “hỗn loạn” trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông Trump. Một lần nữa những rối ren trong bộ máy chính quyền của nhà tỷ phú New York lại bị đặt dấu hỏi.