Sự kiện Vũng Rô, bước ngoặt của đường Hồ Chí Minh trên Biển Đông (Bài 2)
Vì sao gọi là “tàu không số”?
Ngày 23/1/1961, Bộ Quốc Phòng ra quyết định chính thức thành lập lực lượng vận tải quân sự trên biển có mật danh là đoàn 759 (tức tháng 7 năm 1959) và ngày nay đã trở thành ngày truyền thống của Đoàn tàu không số trước đây và đoàn 125 sau này. Đoàn 759 trực tiếp đặt dưới sự chỉ huy của Bộ Quốc phòng và lấy số nhà 83 Lý Nam Đế là trụ sở.
…Trên thực tế, số lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường biển ít hơn nhiều so với vận chuyển trên đường bộ, nhưng có ý nghĩa rất lớn lao – vận tải biển tuy gian nan, vất vả và nguy hiểm hơn đường bộ, nhưng lại có ưu thế về tốc độ, thời gian. Nếu vận chuyển bằng đường bộ phải mất hàng tháng, thậm chí mấy tháng trời mới đến nơi thì vận tải đường biển chỉ mất hơn 1 tuần mà tổn thương hàng hóa cũng rất thấp (chỉ khoảng 7%, chi phí vận tải tính cho mỗi tấn hàng cũng thấp hơn nhiều – chẳng hạn 100 tấn vũ khí chỉ cần 10-15 chiến sỹ đảm nhiệm, trong khi mang vác bằng đường bộ phải cần đến cả một sư đoàn, so với vận tải cơ giới đường bộ thì lượng xăng dầu cũng giảm được hàng trăm lần). Đó chưa kể vận tải đường biển còn có sứ mệnh vận chuyển những hàng hóa bí mật và những loại vũ khí lớn, đặc chủng, những cán bộ cao cấp, những chuyên gia đặc biệt bổ sung cho chiến trường.
Tuyến đường vận tải quân sự trên biển tồn tại suốt 14 năm ròng. Nó được tổ chức vô cùng bí mật và chặt chẽ, từ việc đóng tàu, lựa chọn thủy thủ, thuyền trưởng, tàu vượt biển, đến bãi đỗ, người bốc vác hàng… dưới sự chỉ huy trực tiếp của Quân ủy Trung ương và Trung ương cục Miền Nam.
Một trong nhũng con tàu không số. Ảnh tư liệu |
…Trong khi chờ phương thức vận tải vũ khí từ Miền Bắc vào, Trung ương Đảng đã chỉ thị cho các tỉnh Nam Bộ chuẩn bị bến bãi, tổ chức cho thuyền ra Bắc thăm dò, mở đường, nghiên cứu phương tiện và phương pháp vận chuyển, nếu thuận lợi thì sẽ cho chở vũ khí về Nam… Thực hiện chỉ thị ấy, chỉ trong thời gian ngắn, các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu, Bà Rịa đã gấp rút chọn người, tổ chức đội thuyền, mua Ngư lưới cụ để vượt biển ra Bắc.
Đối phó với địch và sự kiện Vũng Rô
Hải trình đường Hồ Chí Minh trên Biển. Ảnh TL |
Tính từ ngày 1/6/1961 đến 27/2/1962 có 5 thuyền gỗ đầu tiên lần lượt xuất phát từ các tỉnh miền Đông Nam Bộ vượt biển ra Bắc xin chi viện vũ khí, thuốc men… Bằng trái tim quả cảm và lòng yêu nước nồng nàn, 34 chiến sỹ trên những chiếc thuyền gỗ mỏng manh ngày ấy đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đưa 5 con thuyền nhỏ về đích, góp phần mở ra một tuyến đường “huyền thoại” trên biển, góp phần tích cực chi viện cho cuộc chiến đấu của quân và dân ta ở Miền Nam.
Để việc vận chuyển được tiến hành thuận lợi và hiệu quả cũng như đảm bảo chặt chẽ hơn, tháng 9/1963, quân ủy Trung ương quyết định giao nhiệm vụ này cho Quân chủng Hải quân. Ngày 24/1/1964 đoàn 579 được điều chỉnh tổ chức, phát triển thành đoàn 125 Hải quân.
Do yêu cầu của chiến trường, đoàn 125 Hải quân tập trung đưa hàng vào khu 9, khu 8, khu 7 và Sài Gòn, Gia Định, đồng thời tiến hành mở thêm bến mới chi viện cho chiến trường khu 5, khu 6. Từ yêu cầu đó, đầu năm 1965 tàu 143 do ông Lê Văn Thêm làm thuyền trưởng và ông Phan Văn Bảng làm chính trị viên cùng cán bộ thủy thủ chở 63 tấn hành rời bến Hải Phòng vượt biển chi viện cho Khu 5 – vào bến Lộ Riêu (Bình Định). Nhưng khi đến nơi do nước thủy triều thấp nên tàu không vào bến cuối được, đành giao hàng tại Vũng Rô. Trong lúc neo đậu, tàu bị địch phát hiện. Chúng tập trung máy bay, tàu chiến đánh phá ác liệt và tìm mọi cách chiếm tàu. Các chiến sỹ ta đã chiến đấu anh dũng và ngoan cường… kể từ đó, con đường vận chuyển quân sự trên biển của ta bị lộ.
Sự kiện Vũng Rô được nhắc đến trong một đoạn khác sách viết: “Ngày 1 tháng 2 năm 1965 (tức mùng 1 Tết Ất Tị) tàu 143 do đồng chí Lê Văn Thêm làm thuyền trưởng và đồng chí Phan Văn Bảng làm chính trị viên, được lệnh chở 63 tấn vũ khí vào bến Lộ Riêu (Bình Định).
Đi được nửa đường thì nhận được điện của Sở chỉ huy: không vào bến theo dự kiến mà cho tàu vào Vũng Rô... Nửa đêm 15/2 tàu cập bến Vũng Rô. Sau khibốc hết hàng vào lúc 3 giờ sáng ngày 16/2, tàu định quay ra thì tời neo bị hỏng, khi chữa xong thì trời sáng, đành phải nguyh trang rồi để tàu lại.
Nhưng khoảng gần trưa hôm đó thì máy bay của địch phát hiện dấu hiệu lạ, tiến hành những hành động xác minh. Sau đó, địch bắn phá nơi tàu 143 kẹt lại. Mặc dù đã tìm mọi cách để phá hủy tàu, nhưng do tàu bị nghiêng, anh em không vào được khoang máy để đặt bộc phá.
Địch đã sử dụng nhiều tàu chiến, máy bay ném bom và đổ bổ 2 tiểu đoàn bộ binh vào khu vực nhằm bắt sống cả người và tàu của ta.
Mặc dù hết sức chênh lệch, nhưng các chiến sĩ tàu 143 và anh em dukích địa phương đã chiến đấu rất ngoan cường, đẩy lùi nhiều cuộc tấn công của địch. Tối 17/2 với sự hỗ trợ của công binh quân khu, anh em đã đặt bộc phá hủy tàu, nhưng chỉ võ đôi và chìm dẫn xuống nước chứ không nổ cả tàu.
Chiến đấu ngoan cường, nhưng do địch quá đông, lại nhiều vũ khí, phương tiện hỗ trợ nên đến 24/2 (sau 8 ngày chiến đấu) ban chỉ huy quyết định cho anh em phá vòng vây rút lui...
Vũng Rô ngày ấy, bây giờ. Ảnh internet |
Từ đó địch càng tập trung lực lượng kiểm soát và phong tỏa quyết liệt đường biển. Mỹ đưa hạm đội 7 vào phong tỏa Biển Đông, bố trí 3 tàu sân bay án ngữ của Vịnh Bắc Bộ… ngoài ra, địch còn lập một tuyến tuần tiễn cách bờ 40 hải lý của ta chi viện cho miền Nam…
Nhưng không thủ đoạn nào của địch có thể ngăn cản được cán bộ chiến sỹ đoàn 125 thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng của mình. Các anh đã tìm bằng được cách đối phó với địch và quyết không lùi bước… sự kiện Vũng Rô đã khiến cho việc vận chuyển vũ khí vào Nam thời gian sau đó càng trở nên vô cùng khó khăn, bược ta phải tính toán lại một cách chi tiết và chắc chắn hơn nhằm tìm một con đường vận chuyển an toàn hơn.
Bia di tích Vũng Rô. Ảnh internet |
Trên cơ sở xác định một con đường mới, cho tới tháng 10/1965, tàu 42 được cải trang thành tàu các nước ngoài chở 60 tấn vũ khí, sau 8 ngày đêm vượt sóng to gió lớn, đa cập bến an toàn. Như vậy là đường Hồ Chí Minh trên biển sau 8 tháng gián đoạn đã được nối lại. Từ đây, hàng trăm chuyến tàu, hàng nghìn tấn vũ khí, hàng hóa đã được vận chuyển vào Nam.
Từ năm 1966, địch càng kiểm soát gắt gao hơn, chúng tổ chức thêm lực lượng đặc nhiệm 116, 117 ken đầy tàu chiến chốt giữ các cử sông nhằm ngăn chặn tàu chi viện của ta. Để đối phó, quân và dân ta thực hiện phương thức mới là thả hàng xuống biển đánh dấu để bến vớt lên dần ở ngang bãi trống trải.
Kể từ khi thành lập cho đến ngày giải phóng Miền Nam, các chiến sữ của Đoàn 759 và là Đoàn 125 Hải quân sau này đã thực hiện vận chuyển, bốc dỡ, cất dấu và phân phối 152.786 tấn vũ khí, trang bị kỹ thuật, lương thực, thuốc men từu Miền Bắc đưa vào các chiến trường Miền Nam. Đưa đón 80.026 lượt cán bộ chiến sỹ trong đó có hàng trăm cán bộ cao cấp của Đảng, Quân Đội vào Nam ra Bắc… góp phần to lớn làm lên chiến thắng chung của dân tộc.
Hồng Chuyên
· * Ghi chú: Bài viết được trích từ sách Huyền thoại đường Hồ Chi Minh trên biển, Nhà xuất bản Thông tấn xã Việt Nam do Trung tâm Thông tin Truyền thông vì Môi trường phát triển và dự án Uống nước nhớ nguồn thực hiện và giới thiệu. Tiêu đề chính, tiêu đề phụ do Infonet tự đặt.