Sự hồi sinh của xe hơi Lada và câu chuyện nước Nga thời cấm vận
Dòng xe Lada 4 chỗ ngồi là đời xe cuối cùng từ thời Liên Xô cũ vẫn được sản xuất tới tận bây giờ. Theo ước tính, Nga hiện có 40 triệu chiếc xe lăn bánh trên đường thì hơn 1/3 trong số đó là Lada và Granta, dòng sedan cỡ nhỏ bán chạy hơn bất cứ loại xe nào khác tại Nga.
Tuy nhiên, theo The New York Times, thị phần của công ty sản xuất dòng xe Lada đã bị sụt giảm một cách trầm trọng sau khi Liên Xô cũ sụp đổ, xuống còn 17% so với 70% như trước đây. Đây chính là lý do mà ngay cả trước thời điểm giá dầu giảm gây tác động xấu tới nền kinh tế Nga, điện Kremlin đã quyết định "gây dựng lại" thương hiệu Lada.
Lada từng là dòng xe biểu tượng một thời của Nga. |
Thuê giám đốc nước ngoài
Theo đó, chính phủ Nga đã tuyển Bo Inge Andersson, vị giám đốc điều hành người Mỹ gốc Thụy Sỹ với nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại Detroit, để về quản lý Avtovaz, công ty mẹ của Lada.
"Mối quan tâm lớn nhất của chúng tôi là trả lại ánh hào quang cho Lada", ông Andersson (59 tuổi) nói.
Trong tháng này, Tổng thống Nga Vladimir V. Putin cũng đã nhiều lần lên tiếng khẳng định rằng sức ép từ lệnh trừng phạt của phương Tây đã buộc Nga phải tự đi một mình. Do đó, hồi sinh Avtovaz là một ví dụ điển hình cho những thay đổi mang tính biểu tượng đối với tất cả các ngành sản xuất tại Nga.
"Đây là vấn đề mà toàn nước Nga đang phải đối mặt", Aleksey Y. Buzinny, phó thị trưởng Togliatti, thành phố có 719.00 dân nói. Theo ông Buzinny, 1/4 số thuế thu của thành phố đến từ ngành sản xuất ô tô.
Tuy nhiên, ông Andersson đã có hành động thể hiện quyết tâm làm thay đổi hình ảnh của dòng xe Lada khi hồi tháng Một, ông đã tới thăm Togliatti, thị trấn sản xuất ô tô nổi tiếng nhất tại Nga.
Bo Inge Andersson, vị giám đốc điều hành có nhiều ý tưởng thay đổi táo bạo vực dậy dòng xe Lada của Nga. |
Theo đó, ông Andersson đã tiên phong thành lập phòng dịch vụ khách hàng. Bởi ông cho rằng những câu hỏi trong phiếu thăm dò ý kiến về phản hồi chất lượng sản phẩm như “Bạn kỳ vọng vào điều gì, đó có phải là một chiếc Lada?", đã quá lỗi thời.
Do đó, ông đã thuê hẳn một công ty chịu trách nhiệm mảng truyền thông để phát hiện các lời bình luận tiêu cực trên mạng xã hội. Sau đó, bộ phận chăm sóc khách hàng sẽ có trách nhiệm phản hồi những ý kiến trên.
Tuy nhiên, những chính sách cải tiến có phần mạnh tay của ông Andersson đã vấp phải sự nghi ngờ của nhiều người. Điển hình, nhà lãnh đạo mới của Avtovaz đã cắt giảm 20% nhân lực trong công ty (khoảng 13.400 công nhân), sửa đổi phương thức sản xuất và khởi xướng việc giảm nguồn cung linh kiện từ Nga, một trong những nguyên nhân từng gây gián đoạn hoạt động sản xuất. Trong khi phải đối mặt với những chỉ trích, Andersson cho biết chính phủ, bao gồm Tổng thống Putin, công đoàn và nhiều công nhân đều đồng tình với kế hoạch của ông.
Ông Andersson cũng không vội tính tới mức tăng trưởng hàng năm của công ty mà thay vào đó cố gắng trừ khử căn bệnh kinh niên: 10% số công nhân thường xuyên vắng mặt tại nơi làm việc. Ông còn thưởng thêm vào tiền lương tháng cho 4.397 công nhân đi làm chăm chỉ.
"Togliatti dường như là vùng đất cuối cùng tại Nga vẫn mang tư tưởng từ thời Liên Xô cũ" khi thuật ngữ lợi nhuận và thất thu vẫn còn xa lạ với nhiều người, ông Andersson chia sẻ.
Song, trong nhiều tháng qua, người dân Nga vẫn không ngừng bàn luận về những thông tin đăng tải trên internet cho rằng ông Andersson là người có mức lương cao kỷ lục tại Nga (10 triệu ruble/năm). Con số này tạo ra một khoảng cách quá lớn với mức lương trung bình 26.00 ruble (441 USD)/tháng của công nhân Nga.
Dù phải đối mặt với những lời chỉ trích, ông Andersson vẫn khẳng định chính phủ bao gồm cả Tổng thống Putin, công đoàn và nhiều công nhân đều đồng tình với kế hoạch của ông.
Nhiệm vụ khó khăn
Đây cũng không phải là lần đầu tiên Lada xảy ra những thay đổi căn bản. Nỗ lực trước đó diễn ra sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, nhằm chấm dứt những tư tưởng còn sót lại từ thời Liên Xô cũ, khi mà hệ thống phúc lợi "ôm đồm" hỗ trợ khoản viện phí, học phí và cả cấp nhà cho các công nhân.
Song, hiện nay, nhiệm vụ của ông Andersson sẽ còn khó khăn hơn nhiều khi mà mối quan hệ giữa Nga và phương Tây đang ở mức thấp nhất kể từ sau thời Chiến tranh Lạnh và nền kinh tế chìm đắm trong suy thoái. Trong năm nay, doanh thu bán ô tô cỡ nhỏ đã sụt giảm trong khi hoạt động nhập khẩu xe sang lại tăng trong thời gian gần đây do giới nhà giàu Nga cố gắng tìm cách bảo toàn giá trị tài sản khi mà giá trị đồng ruble đang tụt dốc.
Dây chuyền sản xuất dòng xe Lada tại thị trấnTogliatti. |
Ông Andersson bắt đầu sự nghiệp trong ngành xe hơi tại Saab sau đó tới Detroit làm việc vào năm 1993. Ông trở phó tổng giám đốc tại General Motors (G.M), tập đoàn có mức doanh thu ngân sách hàng năm là 125 tỷ USD. Ông Andersson chính thức trở thành công dân Mỹ vào năm 2008.
Sau khi tập đoàn G.M bị cuốn theo vòng xoáy của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, ông Andersson đã quyết định rời nước Mỹ. Sau đó, ông đã chấp nhận lời mời của chính trị gia người Nga Oleg Deripaska tham gia sứ mệnh tái cơ cấu tập đoàn GAZ Group, nhà máy sản xuất các loại phương tiện thương mại hạng nhẹ hàng đầu tại Nga, đặt trụ sở tại Nizhny Novgorod.
Ông bắt đầu làm việc tại Nizhny Novgorod vào ngày 20/6/2009. Tại đây, ông đã sa thải 50.000 công nhân đồng thời cho ra đời những mẫu xe mới và tiến tới chia phần thị trường với Volkswagen, G.M., Skoda và Daimler. Sau khi chịu cảnh thất thu 1 tỷ USD vào năm 2008, GAZ Group đã bắt đầu làm ăn có lãi trở lại dưới sự dẫn dắt của ông Andersson.
Theo ông Andersson, chính phủ Nga đã mời ông về điều hành Avtovaz sau khi công ty này chịu thất thu hơn 500 triệu USD vào năm ngoái.
Theo thói quen, vào lúc 6h45 mỗi sáng trước thời điểm công nhân vào làm việc 15 phút, ông Andersson lại tập hợp các nhà quản lý là người Nga, Pháp và Nhật Bản tại nhà máy để họp. Nhà máy này rộng 660 hecta bao gồm 5 dây chuyền sản xuất ô tô và 6 xưởng sản xuất linh kiện, cho ra đời 11 mẫu xe ô tô khác nhau.
Cách quản lý củ ông Andersson có phần khá đặc biệt khi ông yêu cầu chuyển những lời phàn nàn của khách hàng tới từng cán bộ quản lý các bộ phận. Ngoài ra, toàn bộ lực lượng cán bộ trong công ty đều phải lái xe Lada.
Ông Andersson cho biết hoạt động sản xuất của công ty đã tăng gấp đôi trong năm nay lên mức 40 chiếc/công nhân. Tuy nhiên, mục tiêu của ông Andersson là mỗi công nhân sẽ sản xuất ra 60 chiếc/năm. Cũng theo nhà quản lý nhiều năm kinh nghiệm, những thay đổi hiện nay với Lada còn quá nhỏ nhưng một dòng xe mới mang thương hiệu Nga sẽ được hồi sinh vào mùa thu tới.
Ông Andersson cho rằng "trận chiến cuối cùng" của mình là buộc các nhà sản xuất lịn kiện mà trong đó một số công ty thuộc sở hữu của nhà nước, chuyển số linh kiện chất lượng theo đúng thời hạn quy định với giá cả cạnh tranh.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ The New York Times, nhật báo được xuất bản tại thành phố New York do Arthur O. Sulzberger Jr. làm chủ biên, được phân phối ở khắp Mỹ và nhiều nơi trên thế giới.