"Sự hi sinh của người dân không phục vụ bất cứ cá nhân nào"
ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm, đoàn TPHCM: Không phải cứ bồi thường là xong
Không phải cứ bồi thường cho người có đất bị thu hồi rồi để họ muốn đi đâu thì đi mà phải tổ chức cho người dân đến chỗ ở mới tốt hơn. Tổ chức lại cuộc sống cho người dân bị thu hồi không chỉ đơn thuần là có một chỗ ở mới mà còn phải giải quyết được vấn đề văn hóa, giáo dục, y tế… Luật đất đai sửa đổi lần này đã thể hiện được điều đó.
![]() |
ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm |
Hiện nay cái mà người dân bất bình là sự chênh lệch giá đất, luật lần này cũng cơ bản giải quyết được điều đó. Trước đây cùng một lô đất có hai loại giá đất khác nhau thì lần này đã điều chỉnh, chỉ còn duy nhất một loại giá như nhau. Như vậy sẽ công bằng, hợp lý hơn nhiều và người dân sẽ ủng hộ.
Với TPHCM, một đặc thù lớn nhất là tốc độ đô thị hóa rất nhanh. Đi đôi với nó là diện thu hồi đất khá lớn. Khi thu hồi đất nhiều sẽ ảnh hưởng lớn đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Vì vậy đòi hỏi khung pháp lý phải chặt chẽ, phù hợp với thực tiễn, giải quyết bất cập trong quá trình phát triển. Nếu không giải quyết được vấn đề dân cư thì một bộ phận dân cư không phải nhỏ sẽ bị ảnh hưởng trong quá trình phát triển.
Thu hồi đất vẫn là vấn đề nóng hiện nay. Ví dụ khi thu hồi đất vào mục đích phát triển KTXH, đây là một phạm trù rộng mệnh mông, người thực hiện chủ trương đó nếu có cái tâm trong sáng, lấy quyền lợi của người dân đi đôi với quyền lợi phát triển của đất nước thì không có vấn đề gì. Nhưng nếu người ta muốn lợi dụng nó thì là cả một vấn đề nan giải.
Chính vì vậy luật đất đai lần này cần tính toán, đưa ra để cho nó có tính thực tiễn nhất chứ không phải chỉ trên lý thuyết. Từ thực tiễn đó phải được đưa vào trong luật, từ luật đó sẽ điều chỉnh lại thực tiễn.
Sự hi sinh của người dân phải được phục vụ cho sự phát triển chung của đất nước chứ không phải phục vụ cho bất cứ một cá nhân nào.
ĐBQH Trương Văn Vở, đoàn Đồng Nai: Xác định chủ sở hữu đất đai
Sau khi luật ban hành phải có văn bản kịp thời để tổ chức tốt tái định cư, hỗ trợ đời sống cho người bị thu hồi đất. Vấn đề bản thân tôi cũng góp ý nhiều lần và nhiều đại biểu cũng quan tâm đó là cơ chế thu hồi đất.
Tôi nghĩ dự án luật lần này phải làm sao phải tách bạch dự án phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng với lợi ích KTXH. Riêng dự án KTXH nên phân rõ ra nhà nước thu hồi đất đối với những dự án phục vụ cho lợi ích công cộng hay lợi ích quốc gia, kể cả hạ tầng cho phát triển kinh tế cũng khác.
![]() |
ĐBQH Trương Văn Vở |
Còn việc thu hồi đất phục vụ thuần túy cho các nhà đầu tư, theo tôi nên xem xét tính toán thêm. Thời gian vừa qua dân khiếu nại nhiều nhất ở chỗ này. Tôi có ý kiến nhiều lần đối với dự án phục vụ đơn thuần cho nhà đầu tư thì cần phải thực hiện cơ chế thỏa thuận. Mà thỏa thuận ở đây không phải là thỏa thuận đôi bên (giữa nhà đầu tư với người dân) mà là thỏa thuận giữa nhà đầu tư với cộng đồng dân cư khu vực bị thu hồi đất.
Cái quan trọng đầu tiên phải xác định là chủ sở hữu đất đai. Từ trước tới giờ trong Hiến pháp, chủ trương của Đảng, Nhà nước xác định tài nguyên đất đai thuộc sở hữu toàn dân và đại diện. Chủ sở hữu thuộc nhà nước là đúng, nhưng cơ chế để thu hồi đất phục vụ các dự án phát triển KTXH cần phân định rõ ràng hơn.