Sự đối lập “đáng sợ” trong xã hội Trung Quốc
Stone Liu, 25 tuổi, mặc một bộ vest lịch sự khi làm công việc kinh doanh tại tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Nhưng khi Tết Nguyên Đán đến, một sự thay đổi mạnh mẽ đã diễn ra khi anh trở về quê nhà. Giờ đây, Liu mặc một chiếc áo khoác của bà ngoại, mang đôi giày của ông nội và mặc chiếc quần rộng thùng thình của người cậu.
“Trang phục này rất thoải mái”, anh nói với CNN. Nhưng Liu không chỉ là hiện tượng duy nhất.
Stone Liu khi đi làm và khi về nhà ăn Tết. |
Sau khi bức ảnh “trước và sau” của Liu lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc, hàng loạt các nhân viên trẻ khác cũng đăng tải những bức ảnh tương tự của họ khi về quê và tự miêu tả mình như những “kẻ nhếc nhách quê mùa”.
Đối với nhiều cư dân mạng Trung Quốc, đây là một cách nhẹ nhàng để tiết lộ thân phận thật sự của họ tại thời điểm thư giãn nhất trong năm, vào dịp tết âm lịch.
Tự hào vì gốc gác nhà quê
Xu Lin, một người mẫu ở Bắc Kinh, đã đăng tải bức ảnh chụp cô trong bộ trang phục trông có vẻ ngốc nghếch, đang cho gà ăn và tự nấu nướng tại quê nhà ở tỉnh Cát Lâm, phía Đông Nam Trung Quốc.
Xu Lin làm người mẫu ở Bắc Kinh nhưng cô vẫn chăm bò, nấu ăn khi về quê. |
“Khi tôi trở về nhà, tôi là con gái của ba mẹ tôi vì vậy chẳng có vấn đề gì với việc tôi mặc gì cả. Nhưng tôi chắc rằng chẳng có khách hàng nào muốn làm việc với mình nếu tôi mặc như vậy ở Bắc Kinh. Tôi nghĩ rằng sự đối lập giữa thành thị và nông thôn phản ánh sự khác biệt giữa lúc tập trung làm việc và khi thư giãn ở nhà”, cô nói.
Qin Yemei, 23 tuổi, cũng có cùng quan điểm với Xu. Hiện làm trong một công ty luật ở thành phố Nam Kinh, cô Qin cho biết những người dân làng nơi quê gốc của cô sẽ cảm thấy kỳ quặc nếu cô ăn mặc chỉnh chu, diện đồ thành phố tại đây.
Cô nói với CNN: “Tôi tự hào vì gốc gác nông thôn của mình. Những người thành phố không thể có được nhiều trải nghiệm như chúng tôi ở đây. Tôi thường phải chăm sóc đàn bò, nhặt củi và làm những công việc tương tự khi bé”.
Nhưng sau nhiều năm sống ở thành phố, cô Qin cho biết rất khó để điều chỉnh phù hợp với cuộc sống của cô ở làng quê. Qin cho rằng những bức ảnh này cho thấy một cái nhìn chân thật về khoảng cách giữa nông thôn và thành thị ở Trung Quốc.
“Ở quê tôi, không có Internet, không có TV, không có các quầy bán thức ăn đường phố hay nhà hàng. Hầu hết những thanh niên trẻ đều chuyển tới thành phố để làm việc, để cha mẹ và ông bà của họ lại làng quê”, cô Qin nói.
Dịch chuyển tới thành phố
Xu hướng đô thị hóa ở Trung Quốc bắt đầu từ nhiều thập kỷ trước khi 80% dân số nước này vẫn sống ở nông thôn. Kể từ đó, rất nhiều thanh niên độ tuổi đi làm đã đổ xô tới các khu vực thành thị, nơi có nhiều công việc, tiền lương cao và nhiều cơ hội hơn.
Theo báo cáo mới nhất của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, ngày nay, 260 triệu người sống ở 15 thành phố tại Trung Quốc, với dân số thành thị khoảng 771 triệu người, chiếm tới 56% tổng dân số. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại nhất là khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn Trung Quốc ngày càng gia tăng.
Năm 2015, thu nhập bình quân hàng năm của các cư dân đô thị Trung Quốc gần gấp 3 lần so với mức 11.422 nhân tân tệ của những người dân nông thôn.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ CNN, một kênh truyền hình nổi tiếng của Mỹ, thuộc sở hữu tập đoàn Time Warner. CNN là một trong những kênh thông tin uy tín nhất thế giới.