Stratfor: Mỹ cố tình đưa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ xích lại gần nhau
Cụ thể, bà Olga Ikonnikova, một phóng viên có uy tín của tạp chí PolitRussia mới đây nói rằng, báo cáo phân tích của Stratfor về cuộc hội đàm trực tiếp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan vào ngày 9/8 giống như là một bài tuyên truyền thay vì thể hiện góc nhìn khách quan về sự kiện này.
Nga và Thổ Nhĩ Kỳ chính thức nối lại quan hệ ngoại giao. |
Ví dụ, Stratfor cho rằng Nga thực chất đang cố gắng thu hút sự chú ý của Mỹ thay vì đang theo đuổi những chính sách phục vụ lợi ích quốc gia Nga. “Để khiến Washington phải chú ý đến những yêu sách của mình, Nga phải đóng hai vai, vừa là một trung gian hòa giải vừa là một thế lực trong một cuộc chiến mà Mỹ đang phải tập trung chú ý. Trước đây Nga hỗ trợ Iran khi nước này còn đang bị cấm vận, nhưng sau khi Iran và Mỹ thống nhất thỏa thuận hạt nhân, Nga chuyển hướng sang Syria”, phân tích của Stratfor viết.
Trong khi đó, Stratfor cũng nói thêm rằng: “Cùng thời điểm Nga quyết định can thiệp sâu vào cuộc chiến ở Syria, Thổ Nhĩ Kỳ cũng có kế hoạch riêng để đối đầu với những hiểm họa từ lực lượng vũ trang người Kurd và tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS)”. Theo bà Ikonnikova, việc Thổ Nhĩ Kỳ, một quốc gia từ lâu đã bị cáo buộc hỗ trợ cho IS, bày tỏ quan ngại trước những nguy cơ khủng bố là điều “khó tin”.
Không chỉ có vậy, báo cáo phân tích của Stratfor cũng nói thêm rằng Washington đã cố tình “cho phép” Thổ Nhĩ Kỳ nối lại quan hệ ngoại giao với Nga. “Mặc dù Mỹ được lợi khi Thổ Nhĩ Kỳ có quan hệ không tốt đẹp với Nga và giúp nước này tiến gần với NATO hơn, Nhà Trắng quyết định rằng Ankara nên giảng hòa với Moscow để có thể giảm bớt những nguy cơ có thể xảy ra nếu quân đội hai bên vô tình đối đầu nhau ở Syria, buộc Mỹ phải can thiệp”, Stratfor viết.
Bà Ikonnikova nói: “Theo Stratfor, Nga ngồi vào bàn đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ không phải là bởi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ gửi lời xin lỗi, không phải là vì Thổ Nhĩ Kỳ chấp thuận một số điều kiện liên quan đến cuộc xung đột ở Syria. Họ cho rằng cuộc hội đàm giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ là nhờ công của Mỹ”.
“Sau khi nối lại quan hệ với Nga, Thổ Nhĩ Kỳ đã đóng cửa khẩu biên giới Bab al-Hawa, nơi hàng ngàn phiến quân khủng bố vào và ra khỏi Syria. Nhờ đó, các hoạt động nhân đạo ở Aleppo mới có thể được thực hiện. Trong khi đó, Mỹ không còn nắm được kiểm soát tình hình ở Syria nữa. Nếu Aleppo thuộc về quân chính phủ, những gì mà Washington đầu tư vào cuộc chiến này sẽ không mang lại kết quả mà họ muốn”, bà Ikonnikova nói thêm.
Sau cùng, phóng viên người Nga kết luận: “Nga hoàn toàn không tin rằng quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ đã hoàn toàn bình thường, cho dù ông Erdogan đã gọi ông Putin là “một người bạn thân thiết”. Thế nhưng, Nga luôn sẵn sàng hợp tác với bất kỳ quốc gia nào mong muốn nâng cao quan hệ với mình, và Mỹ hoàn toàn không ảnh hưởng đến những gì Nga đang làm”.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Sputnik, hãng thông tấn mới của Nga khai trương ngày 10/11/2014, có quy mô toàn cầu để cạnh tranh trên thị trường truyền thông thế giới. Sputnik thay thế các dịch vụ truyền thông tiếng nước ngoài của hãng thông tấn RIA Novosti và đài phát thanh Tiếng nói nước Nga.