Sốt xuất huyết trên phụ nữ có thai rất khó lường, cần được theo dõi sát
Một phụ nữ mang thai mắc sốt xuất huyết đang được điều trị tại Trung tâm bệnh nhiệt đới, BV Bạch Mai. |
PGS.TS Đỗ Duy Cường cho biết, sốt xuất huyết (SXH) vẫn xảy ra rải rác, tuy nhiên, theo chu kỳ khoảng vài năm sẽ có một vụ dịch lớn. Chúng ta chứng kiến dịch sốt xuất huyết xảy ra ở thành phố Hà Nội cũng như các tỉnh lân cận năm 2017 với hàng trăm nghìn người mắc. Năm 2018, số lượng bệnh nhân SXH giảm nhiều so với năm 2017. Tuy nhiên từ đầu năm 2019 đến nay, số bệnh nhân SXH có chiều hướng gia tăng so với năm 2018.
Theo thống kê của Trung tâm bệnh nhiệt đới, BV Bạch Mai, bệnh nhân sốt xuất huyết phải nhập viện điều trị nội trú trong tháng 8/2019 tăng cao, với 66 bệnh nhân nặng, hàng chục trường hợp đến khám mỗi ngày và nhiều trường hợp phải điều trị ngoại trú, theo dõi tại nhà.
Lý giải về nguyên nhân gia tăng bệnh nhân SXH, PGS.TS Đỗ Duy Cường cho hay: mùa mưa là mùa sinh sản của muỗi. Năm nay có nhiều bệnh nhân SXH phải nhập viện với cơ địa đặc biệt và nhiều bệnh nhân vào viện với các dấu hiệu cảnh báo như sốc, tiểu cầu quá thấp…tuy nhiên đến nay chưa có ca nào tử vong. Trong số các bệnh nhân nhập viện, có 1/4 số ca mắc sốt xuất huyết là phụ nữ có thai.
Thai phụ Vũ Thị L (25 tuổi, hiện đang cư trú tại Đại Kim - Hoàng Mai - Hà Nội) mang thai lần đầu, tuần thứ 27 cho biết, đêm 6-9, thấy cơ thể có triệu chứng sốt, lo ngại ảnh hưởng thai nhi nên em nhập viện ngay trong đêm. BS Nguyễn Quang Huy, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai – người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân L cho hay, bệnh nhân vào viện với triệu chứng sốt và mệt mỏi, được chẩn đoán SXH, đã cho bù đủ nước, điện giải, theo dõi sát chỉ số trong máu và tình trạng thai.
Nằm ở phòng kế bên, bệnh nhân Kim D. (23 tuổi, đang cư trú tại Thanh Trì, Hà Nội) cũng mắc sốt xuất huyết ở tuần thứ 13 của thai kỳ cho biết, vì em đã có một đứa con đầu nên em cũng biết cách phòng tránh bệnh cho mình. “Em thấy sốt và có biểu hiện nhức mỏi cơ thể, em nghĩ ngay đến sốt xuất huyết và nhập viện luôn. Hai hôm nhập nay em đã hạ sốt, mong là không ảnh hưởng đến thai nhi”.
Theo PGS.TS. Đỗ Duy Cường, biểu hiện SXH trên phụ nữ có thai rất khó lường, do vậy chúng tôi khuyên khi có thai mắc SXH cần nhập viện điều trị. Bệnh nhân sẽ được theo dõi công thức máu, đông máu, chức năng gan, thận....hàng ngày và theo dõi tình trạng của thai để xem có biểu hiện như: dọa sảy hay sảy thai, đẻ non (nếu như ở trong những tháng cuối của thai kỳ) hoặc rong kinh, rong huyết hay không. Một số trường hợp thai phụ ở giai đoạn cuối có dấu hiệu chuyển dạ, SXH dễ làm chảy máu cùng với đó là chảy máu trong lúc sinh nở sẽ dễ khởi động quá trình rối loạn đông máu, dẫn đến sốc mất máu, nguy hiểm tính mạng cho mẹ và thai nhi.
Các chuyên gia chia sẻ: phụ nữ đang mang thai cần cố gắng tránh mắc bệnh SXH, bằng cách nên mặc quần áo dài, chân đi tất, ngủ màn tuyệt đối, thoa kem để tránh muỗi đốt, dùng hương muỗi, bình xịt muỗi,… để đuổi và diệt muỗi. Các vật dụng đựng nước sạch dùng trong sinh hoạt nên được che đậy tránh muỗi đẻ trứng và nên thay nước hàng tuần để diệt lăng quăng. Không để nước đọng ở các nơi như lốp xe hỏng, vỏ dừa, chai lọ, ao tù, cống rãnh. Nên tích cực tham gia và vận động mọi người cùng tham gia vệ sinh môi trường ở nơi mình đang sinh sống để góp phần phòng tránh SXH.