Sốt xuất huyết tại TP.HCM: Quá nhiều nguy cơ, kiểm tra không xuể
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long thăm bệnh nhân sốt xuất huyết nặng tại BV Bệnh nhiệt đới |
Đô thị hoá nhanh, dân nhập cư nhiều, nhiều điểm nguy cơ
Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hữu Hưng cho biết: Đến tuần 28 (13/7), số ca sốt xuất huyết cộng dồn tại TP.HCM là 10.157 ca, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2016. Ghi nhận 17/24 quận huyện có số ca sốt xuất huyết nhập viện tăng, trong đó quận 12 tăng 85%. Thành phố ghi nhận 3 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết và 1 trường hợp tử vong có yếu tố liên quan đến sốt xuất huyết.
Theo Sở Y tế TP.HCM, các quận huyện có ca sốt xuất huyết tăng nhanh từ tháng 6 đến nay là Bình Tân, Quận 12, Hóc Môn, Bình Chánh, Tân Phú, Tân Bình... Tại các quận huyện này hầu hết đều có chung đặc điểm: Đô thị hóa nhanh, dân nhập cư nhiều và quá nhiều điểm nguy cơ.
Lãnh đạo quận Bình Tân cho biết, với đặc thù đô thị hóa nhanh, dân số lớn (hơn 720.000 dân), quận Bình Tân có nhiều khu đất trống bỏ hoang do quy hoạch treo, dân cư chủ yếu là dân nhập cư với đặc thù nửa nông thôn nửa thành thị, nhận thức chưa cao nên công tác quản lý dịch bệnh gặp không ít khó khăn.
Quận cũng đã xác định các loại hình nguy cơ chủ yếu dễ phát sinh dịch sốt xuất huyết như trường học, chung cư, nhà trọ, cà phê sân vườn, vựa vật liệu phế thải, công trình xây dựng, đất trống… tuy nhiên, có các loại hình khó quản lý, kiểm soát nhất đó là khu vực nhà trọ, những điểm bán cây cảnh, nơi chứa vật liệu phế thải và khu đất bỏ hoang. Từ đầu năm 2017 đến nay, quận đã xử phạt 12 trường hợp và sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử phạt trong thời gian tới.
Lãnh đạo quận Bình Tân thừa nhận, mặc dù công tác tuyên truyền đã làm lâu nay, đã phát tờ rơi đến các hộ dân nhưng chưa đi sâu vào nhận thức của từng người dân, vì thế hiệu quả chưa cao.
BS. Lại Phước Hòa, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng huyện Bình Chánh, một trong những điểm nóng về sốt xuất huyết của TP.HCM cho biết, trên địa bàn có nhiều công trình xây dựng bị cưỡng chế phá dỡ trở thành các khu đọng nước gây nên ổ dịch. Thêm vào đó, dân nhập cư nhiều nên rất khó trong công tác tuyên truyền. Hai điểm nóng của huyện Bình Chánh là xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B hiện có số ca sốt xuất huyết chiếm hơn 50% số ca bệnh của toàn huyện.
Đại diện UBND quận 8 cho biết, do có quá nhiều dân nhập cư sống không ổn định, là dân nghèo buôn bán nhỏ nên họ không quan tâm đến việc phòng chống dịch bệnh, công tác tuyên truyền gặp không ít khó khăn. Trên địa bàn quận có 30 ổ dịch sốt xuất huyết nhỏ, không có ổ dịch lớn.
Huyện Hóc Môn hiện đã có 603 ca sốt xuất huyết, tăng hơn 41% so với cùng kỳ 2016. Lãnh đạo huyện cho biết, qua kiểm tra cho thấy ổ lăng quăng chủ yếu xuất hiện ở các vựa ve chai không có mái che, các quán ăn, cà phê có trồng cây cảnh, các điểm chăn nuôi có chứa nước không được vệ sinh thường xuyên.
Do có quá nhiều điểm nguy cơ nên công tác kiểm tra, tái kiểm tra không thực hiện được như yêu cầu. Bên cạnh đó, các hộ dân ít quan tâm đến việc dọn dẹp phế thải xung quanh khu vực mình ở nên công tác phòng chống dịch còn nhiều khó khăn.
Tìm biện pháp giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên
Tại các bệnh viện tuyến cuối điều trị sốt xuất huyết của TP.HCM số ca bệnh đang tăng. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới đã tiếp nhận 4.328 trường hợp sốt xuất huyết, tăng nhanh từ tuần 21 đến nay, trong đó riêng tuần 26 số ca nhập viện nội trú tăng 100 ca.
Số ca sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhi đồng 1 tăng từ tháng 6 với mức 10 – 15% so với những tháng trước, trung bình mỗi tuần có khoảng 60 – 70 bệnh nhân nhập viện.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, số ca sốt xuất huyết điều trị ngoại trú từ đầu năm đến nay là 3.696 ca, riêng tháng 7 đã có 506 ca. Số ca điều trị nội trú là 1.623 trường hợp.
Bệnh viện Nhi đồng thành phố tuy mới đi vào hoạt động nhưng cũng đã tiếp nhận 1.035 ca sốt xuất huyết.
Sở Y tế TP.HCM xác định tập trung kiểm soát điểm nguy cơ, vùng nguy cơ, truyền thông thay đổi hành vi của người dân là những yếu tố chính trong phòng chống dịch. Do tính chất điểm nguy cơ thay đổi theo từng tháng nên trong tháng 5 có 12.562 điểm nguy cơ được quận huyện giám sát.
Sở Y tế đã chỉ đạo Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới và Nhi đồng 1 tập huấn cho tất cả cơ sở y tế công và tư nhân trên địa bàn thành phố về phác đồ điều trị sốt xuất huyết, chuẩn bị nhân lực, trang thiết bị, thuốc và dung dịch cao phân tử cho công tác điều trị.
Bên cạnh đó, Sở cũng tăng cường xử phạt vi phạm hành chính. Năm 2016, Sở đã ra quyết định xử phạt 74 trường hợp tại 9 quận huyện. Từ đầu năm 2017 đến nay đã xử phạt 46 trường hợp tại 7 quận huyện.
Theo PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, 40% ca bệnh của thành phố, trong đó có sốt xuất huyết, là đến từ các địa phương khác. Biện pháp đầu tiên và hiệu quả nhất trong phòng tránh sốt xuất huyết chính là diệt lăng quăng, bọ gậy chứ không phải phun thuốc.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định, diễn biến tình hình sốt xuất huyết còn rất phức tạp và tiếp tục gia tăng. Vì thế, thành phố vẫn phải triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống. Thứ trưởng cho biết: “Sáng nay đi kiểm tra ở Bình Tân, tôi hỏi người dân thì ai cũng biết về sốt xuất huyết, biết phải diệt bọ gậy, thế nhưng khi ra vườn thì vẫn còn đầy các ổ lăng quăng. 24 chai bia uống xong để góc vườn là 24 ổ bọ gậy. Điều đó cho thấy từ nhận thức đến hành động của người dân vẫn còn khoảng cách rất lớn”.
Thứ trưởng đề nghị UBND TP.HCM nên đề xuất với HĐND TP thiết lập lại mạng lưới cộng tác viên phòng chống sốt xuất huyết tại các quận huyện. Đồng thời, Sở Y tế cần tăng cường tập huấn về nhận biết, phác đồ điều trị sốt xuất huyết cho các bệnh viện tuyến dưới, y tế tư nhân để hạn chế việc chuyển tuyến, giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.