Sốt xuất huyết có được tắm không?
ThS.BS Nguyễn Kim Thư - Phó trưởng Khoa Virut - Ký sinh trùng, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết, sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm do virus nên biểu hiện đầu tiên và điển hình của bệnh là sốt. Sốt trong sốt xuất huyết thường là sốt cao, sốt thành cơn, có khi có những cơn rét run, nổi gai ốc. Nhiệt độ cơ thể người bệnh có thể đạt 39 - 40 độ C.
Hiện tượng xuất huyết có thể xảy ra sớm vào ngày thứ 2 hoặc thứ 3, kéo dài 3 ngày nếu bệnh nhẹ. Nếu bị nặng, bệnh nhân sẽ bị xuất huyết kéo dài, thời gian xuất huyết có thể kéo dài trên 2 tuần. Mức độ xuất huyết có thể ở mức độ nhẹ (xuất huyết da) hoặc nặng (xuất huyết cùng lúc ở nhiều vị trí hoặc cơ quan).
Sốt xuất huyết có được tắm không?
Khi bị sốt xuất huyết, bệnh nhân không nên tắm nước nóng hay xông hơi vì như vậy càng làm cho mạch bị dãn ra mạnh và xuất huyết nặng thêm. Bệnh nhân chỉ được lau người bằng nước ấm, tuyệt đối không được sử dụng nước lạnh để tắm vì nước lạnh làm co mạch ngoài da nhưng lại làm dãn mạch trong nội tạng. Điều này là nguy cơ chính gây ra tử vong.
Bên cạnh đó, người bị sốt xuất huyết thành mạch đang dễ bị xuất huyết nên bệnh nhân cần tránh những yếu tố làm giãn mạch mạnh như bia rượu.
Ngoài ra, người bệnh sốt xuất huyết nên tránh ăn những thức ăn quá nhiều dầu mỡ vì sẽ gây đầy bụng, khó tiêu, cần tránh không ăn hoặc uống bất kỳ loại thực phẩm nào có màu đỏ, nâu, đen trong suốt giai đoạn theo dõi bệnh. Mục đích của việc này là để không bị nhầm lẫn dấu hiệu xuất huyết khi người bệnh bị nôn ói có màu xám, thâm đen bất thường sẽ khó phân biệt được đó có phải là do xuất huyết tiêu hóa không hay là màu thực phẩm?
Người bị sốt xuất huyết cần kiêng đồ ăn cay vì nó sẽ khiến tình trạng bệnh thêm nặng. Những đồ ăn cay như gừng, ớt, mù tạt... sẽ sản xuất rất nhiều nhiệt trong cơ thể, ảnh hưởng đến sự hồi phục của bệnh nhân bị sốt.
Tránh xa các loại nước nhiều đường, giảm lượng caffeine, tránh uống rượu và ngừng hút thuốc khi bị sốt xuất huyết.