Sốt cao trên 39 độ, nói 'như ngậm hột thị' dấu hiệu cảnh báo phải vào viện ngay
Viêm Amidan rất dễ tái phát, bệnh phổ biến hơn ở người trẻ, đặc biệt là vào mùa thu hoặc hay di chuyển giữa các khu vực có và không có điều hoà nhiệt độ.
PGS. TS. BS Phạm Thị Bích Đào, BV ĐH Y Hà Nội trao đổi với phóng viên, do lo ngại dịch bệnh nhiều người đã trì hoãn việc đến cơ sở y tế. Tuy nhiên, với một bệnh thường gặp như viêm Amidan cấp tính, người bệnh cần biết khi nào thì cần phải đi khám để được tư vấn, điều trị kịp thời.
Viêm Amidan cấp tính là hiện tượng viêm tổ chức Amidan, chủ yếu do nhiễm trùng. Viêm Amiđan thực chất là viêm họng nhưng các biểu hiện bệnh khu trú chủ yếu tại tổ chức Amidan.
Bệnh phổ biến hơn ở người trẻ, đặc biệt là vào mùa thu hoặc hay di chuyển giữa các khu vực có và không có điều hoà nhiệt độ.
PGS. TS. BS Phạm Thị Bích Đào cho biết có đến 50-80% trường hợp mắc viêm Amiđan cấp là do virus (virus Epstein-Barr (EBV), herpes simplex, bệnh cúm và virus rhino).
Khoảng 20-50% do vi khuẩn, trong đó liên cầu khuẩn tan huyết beta nhóm A (GAS), gây ra 5-36% trường hợp. Nấm (Candida) có thể gây viêm Amiđan ở bệnh nhân suy giảm miễn dịch.
Người mắc viêm Amidan có các triệu chứng chính như: cảm giác mệt mỏi kèm theo sốt và đau họng khởi phát đột ngột. Amidan xung huyết, phù nề và có thể có một lớp giả mạc bao phủ. Nhiều trường hợp xuất hiện hạch góc hàm hoặc hạch nhóm cổ cao trướng ứng với bên cạnh hoặc ngay dưới Amidan sưng đau, di động.
“Nếu bệnh nhân có các biểu hiện trên thì có thể tự điều trị ở nhà bằng các thuốc kháng sinh thông thường nhóm betalactam (methicillin, amoxicillin…) hoặc loại kháng sinh bạn có sẵn trong nhà (nếu có giả mạc), kháng viêm, hạ sốt, giảm đau (liều tuân thủ theo hướng dẫn của thuốc).
Song song đó, người bệnh súc họng bằng những dung dịch kiềm nhẹ hoặc pha nước muối nhạt như nước canh để cân bằng lại môi trường pH của bệnh”, PGS. TS. BS Phạm Thị Bích Đào nói.
Sốt cao trên 39 độ, nói “như ngậm hột thị” dấu hiệu cảnh báo phải vào viện ngay (Ảnh minh hoạ) |
Đặc biệt vị chuyên gia tai mũi họng cũng nhấn mạnh người bệnh cần đi khám ngay tại các cơ sở y tế trong trường hợp viêm Amiđan có thể lan xuống hạ họng, thanh quản nếu bệnh nhân có giọng khàn hoặc khó thở, thở rít, tăng tiết nước bọt.
“Nghi ngờ viêm Amidan do liên cầu Beta tan huyết nhóm A với thang điểm trên 3 điểm: dịch tiết bề mặt Amiđan (1đ), hạch dưới hàm mềm, ấn đau (1đ), sốt cao đột ngột trên 39 độ (1đ), không có biểu hiện ho (1đ). Như vậy khi có các dấu hiệu này, người bệnh cần đến viện ngay.
Ngoài ra, nếu người bệnh nghi ngờ viêm họng do tăng bạch cầu đơn nhân: bệnh phổ biến ở thanh thiếu niên và người lớn, truyền qua nước bọt (có tên “bệnh của những nụ hôn”) với biểu hiện điển hình là cảm giác khó chịu và sốt, sau đó đau họng và nổi hạch ở dưới hàm cũng cần phải đến viện ngay.
Đây là những dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm như: nguy cơ vỡ lách theo y văn chiếm khoảng 0,1% số bệnh nhân viêm Amidan do tăng bạch cầu đơn nhân. Sự thâm nhiễm tế bào lympho dẫn đến tăng kích thước lách, làm vỏ lách mỏng nên dễ vỡ.
Những trường hợp này cần lưu ý ở những bệnh nhân viêm Amidan nghi ngờ do tăng bạch cầu lympho mà xuất hiện đau bụng ở phía trên bên trái lan tỏa lên vai trái (dấu hiệu Kehr), cần siêu âm đánh giá lách”, PGS. TS. BS Phạm Thị Bích Đào nhấn mạnh.
Các chuyên gia nhấn mạnh, viêm Amidan có thể điều trị được, tuy nhiên tỷ lệ tái phát bệnh là rất cao. Để hạn chế tình trạng bị viêm Amidan tái phát nhiều lần, bạn cần lưu ý một số điều sau:
Hạn chế tiếp xúc với các yếu tố làm tăng nguy cơ gây tái phát viêm Amidan như khói bụi, nước đá, rượu... Có nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng không phải uống nhiều nước đá lạnh gây ra viêm Amidan mà chủ yếu người dùng nước đá nhiều dẫn tới viêm amiđan là do nước đá chưa được làm sạch đảm bảo vô trùng, trong có chứa nhiều vi khuẩn có thể dễ dàng gây viêm vòm họng Amidan.
Ngoài ra, sự tái phát tình trạng viêm amiđan có liên quan nhiều đến thời tiết, vậy nên việc bảo vệ cơ thể trước những biến đổi của thời tiết là điều rất quan trọng trong việc dự phòng viêm Amidan tái phát.
Theo đó, mùa hè nên tránh dùng điều hòa ở nhiệt độ thấp quá lâu, giữ ấm cơ thể đặc biệt là vùng cổ họng vào mùa đông.
Thường xuyên vệ sinh sạch mũi họng bằng nước muối sinh lý, đánh răng tối thiểu ngày 2 lần sáng tối sau khi ăn.
Uống nhiều nước, tối thiểu 2 lít/ngày, có chế độ dinh dưỡng khoa học giàu dinh dưỡng, ăn các đồ ăn mềm, hẹn chế ăn đồ ăn cay nóng.
Đồng thời người bệnh cũng cần điều trị triệt để các bệnh lý đường hô hấp như viêm mũi, viêm xoang, viêm tai giữa, viêm răng miệng...thì phải điều trị triệt để tránh hiện tượng lây lan dịch chứa vi khuẩn virus đến gây viêm họng, viêm amiđan liên tục.
N. Huyền