Sóng thần Indonesia: 373 người thiệt mạng, nhiều đợt sóng nữa có thể xuất hiện
Tính đến thời điểm hiện tại, ít nhất 373 người đã chết trong thảm họa sóng thần khi nó bất ngờ xuất hiện mà không có bất kỳ dẫu hiệu cảnh báo nào. Hàng trăm người khác đã bị thương và hơn hai chục người vẫn còn đang mất tích.
Khung cảnh đổ nát sau khi cơn sóng thần quét qua bờ biển Indonesia. |
Sau thảm họa sóng thần, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã ra lệnh cho cơ quan khí tượng thủy văn Indonesia BMKG mua về hệ thống cảnh báo mới để giúp người dân có thể nhận biết tình hình sớm.
Nhiều nhân chứng kể lại rằng họ đã phải nhanh chóng tìm cách chạy nạn khi các căn nhà nằm ven biển đã bị cơn sóng lớn phá hủy. Được biết, cơn sóng có chiều cao lên đến 3m và gây ra do những hoạt động địa chất dưới đáy biển sau khi núi lửa Anak Krakatau nằm trên eo biển Sunda giữa hai đảo Sumatra và Java của Indonesia, phun trào.
Núi lửa Anak Krakatau vẫn tiếp tục phun trào. |
Ông Sutopo Purwo Nugroho, một phát ngôn viên của Cơ quan Khắc phục Hậu quả Thiên tai Quốc gia Indonesia nói rằng trong tương lai sẽ có nhiều đợt sóng thần mới do núi lửa Anak Krakatao vẫn đang tiếp tục phun trào.
“Chúng tôi đã cảnh báo người dân hãy đề phòng”, ông Sutopo nói. “Các cơ quan vẫn đang phân tích nguyên nhân xảy ra thảm họa lần này. Trước mắt núi lửa Krakatau sẽ tiếp tục phun trào, và sẽ có nhiều đợt sóng thần mới xảy ra”.
Càng khiến nhiều người lo lắng hơn nữa là việc hệ thống phao cảnh báo sóng thần của Indonesia đã không vận hành một cách hiệu quả từ năm 2012 tới nay. “Do những hành vi phá hoại, ngân sách hạn hẹp, hư hỏng về kỹ thuật, không có cảnh báo sóng thần nào được phát đi vào lúc đó”, ông Sutopo viết trên Twitter.
Binh lính Indonesia đưa thi thể của những nạn nhân đã thiệt mạng trong thảm họa sóng thần đến địa điểm đã định. |
Cũng chính vì vấn đề của hệ thống cảnh báo, hơn 2.000 người đã mất mạng ở thành phố Sulawesi, Indonesia vào tháng 10 vừa qua do sóng thần.
“Chúng ta cần một hệ thống cảnh báo đa năng”, ông Nugroho nói. “Chúng ta cần rất nhiều hệ thống như vậy”.
Ông Nugroho cũng nhấn mạnh rằng sóng thần thường diễn ra với tốc độ nhanh hơn và khó lường hơn triều cường thông thường. “Chúng ta thường biết rằng sóng thần xảy ra sau khi có động đất. Ngày 22/12 không hề có động đất, vì vậy không có bát kỳ dấu hiệu cảnh báo nào”, ông nói.