“Sóng thần” Chiếm phố Wall sẽ quay trở lại?
Phong trào “không lãnh đạo” của nhóm 99%
Được gọi là phong trào “không có ai là lãnh đạo” hoặc “ai cũng là lãnh đạo”, Chiếm phố Wall không có bản danh sách chính thức, không có kết quả cụ thể và người diễn thuyết. Thế nhưng, chỉ trong vòng 2 tháng, hàng trăm lán trại của Chiếm phố Wall xuất hiện trên khắp nước Mỹ và làm chấn động đời sống chính trị của “siêu cường” này.
Thành viên phong trào Chiếm phố Wall biểu tình gần phố Wall, New York hôm 15/10/2011. |
Chiếm phố Wall không chỉ lan rộng ở nước Mỹ mà còn nhận được sự ủng hộ của nhiều thành phố lớn trên thế giới. Hàng chục nghìn người đã diễu hành ở New York, Luân Đôn, Frankfurt, Madrid, Rome, Sydney và Hồng Kông bày tỏ tình đoàn kết với những người biểu tình Chiếm phố Wall. Các nhà tổ chức biểu tình cũng mong muốn tạo ra “thay đổi trên qui mô toàn cầu” phản đối chủ nghĩa tư bản và các biện pháp kinh tế thắt lưng buộc bụng.
Tại phố Wall, những người biểu tình tuyên bố: “Chúng tôi thuộc nhóm 99% và chúng tôi sẽ không thể tiếp tục dung thứ cho lòng tham và sự tham ô của nhóm 1%”.
Tuyên bố đó ám chỉ tới tình trạng khoảng cách giàu nghèo ở Mỹ tiến tới mức báo động với 1% dân cư nước này sở hữu tới 30%-40% tổng tài sản của Mỹ.
Khi nước Mỹ rơi vào khủng hoảng kinh tế, tình trạng bất công càng được “phơi bày ra ánh sáng”. Trong lúc hàng triệu người mất việc làm, chính phủ phải nâng trần nợ công và cả nước Mỹ phải thực hiện các chính sách “thắt lưng buộc bụng”, giới chủ tư bản ở nước này vẫn hoàn toàn “bình an vô sự” và tiếp tục thu lợi.
Trong một buổi họp báo, Tổng thống Barack Obama tỏ ra thông cảm với sự tức giận của những người biểu tình đối với hệ thống tài chính của nước Mỹ. “Tôi nghĩ phong trào đó thể hiện cảm xúc giận dữ của người dân Mỹ”, ông Obama nói. Tuy nhiên, theo ông Obama, con đường duy nhất để giải quyết tình trạng tham ô ở phố Wall là thông qua các biện pháp bảo vệ người tiêu dùng nghiêm ngặt.
Trên mạng Internet, các trang web, blog và twitter tràn ngập trong khẩu hiệu “Chúng tôi là 99%” nhằm bày tỏ tinh thần đoàn kết với phong trào. Nhiều câu chuyện và hình ảnh cũng được gắn với khẩu hiệu này để thể hiện “cái chết” của giấc mơ Mỹ và tình cảnh khốn khổ của những người chỉ được nhận phần rất nhỏ trong “miếng bánh” tài sản của nước Mỹ.
Chiếm phố Wall và những vấn đề của nước Mỹ
Thành công của Chiếm phố Wall vẫn là vấn đề gây tranh cãi, tuy nhiên, theo tác giả Harry Bradford trên tờ Huffingtonpost, phong trào này đã phơi bày ra các vấn đề hàng đầu của đời sống chính trị Mỹ. Đó là bất bình đẳng trong thu nhập. Đây là nội dung đấu tranh cốt lõi của phong trào Chiếm phố Wall. Lời kêu gọi thực thi bình đẳng kinh tế của những người biểu tình đã “nhắc nhở” dư luận về “căn bệnh cố hữu” của nước Mỹ - khoảng cách giàu nghèo quá lớn.
Người biểu tình Chiếm phố Wall mang tấm biển với dòng chữ: “Những người thuộc nhóm 99%, sẽ không im lặng” trong một cuộc diễu hành ngày 5/10 tại khu vực Hạ Manhattan, thành phố New York. |
Một trong những yêu sách của phong trào Chiếm phố Wall là thực hiện thuế giao dịch tài chính hay còn được biết đến với tên thuế Robin Hood. Thuế này được các nhà vận động đề xuất đánh vào giới tài chính để “san sẻ” tài sản từ ngành này sang các khu vực công như trường học, nhà ở và bệnh viện.
Gánh nặng nợ nần dường như đã tới mức “không thể chịu đựng” đối với sinh viên Mỹ khi tổng nợ của những người đi học tiến tới con số 1.000 tỷ USD vào tháng 4/2011. Chiếm phố Wall kêu gọi giảm nợ sinh viên trên toàn nước Mỹ.
Chiếm phố Wall cũng chỉ trích mạnh mẽ những chính sách có lợi cho các tập đoàn hoặc giới giàu có, trong đó có chính sách cắt giảm thuế của chính quyền Bush và các gói giải cứu cho phố Wall.
Chiếm phố Wall có quay trở lại?
Theo tác giả Koshek Rama Moorthi trên trang tin Examiner (Mỹ), mặc dù Chiếm phố Wall bị nhìn nhận là một phong trào đã chết và lỗi thời, những tiền đề của phong trào này vẫn tồn tại và sắp gây ra một phong trào khác.
Tình trạng bất bình đẳng thu nhập ở Mỹ vẫn chưa giảm. Mặc dù trong năm 2013, nền kinh tế Mỹ đã được cải thiện và thị trường chứng khoán đã khởi sắc, tất cả tài sản từ sự tăng trưởng này vẫn được phân chia bất bình đẳng cho nhóm 1% dân số. Trong khi đó, tầng lớp trung lưu Mỹ vẫn phải tiếp tục vật lộn với “miếng bánh nhỏ bé” từ nền kinh tế. Kinh tế cải thiện giúp đem tới thêm việc làm nhưng hầu hết là công việc bán thời gian và giá thực phẩm, năng lượng và giá thuê nhà tăng lên.
Chiếm phố Wall tuy không tạo ra thay đổi cụ thể nào trong hệ thống chính trị - kinh tế của Mỹ nhưng phong trào này đã giúp “nhắc nhở” dư luận về vấn đề dai dẳng của nền kinh tế lớn nhất thế giới này – khoảng cách giàu nghèo quá lớn.
Doug Singsen, thành viên của Tổ chức Chủ nghĩa xã hội quốc tế (Mỹ) và là một người tham gia Chiếm phố Wall từ những ngày đầu cho rằng, kết quả lớn nhất của phong trào này là khơi mào một cuộc đấu tranh qui mô lớn chống lại quyền lực của các tập đoàn tư bản và sự bất bình đẳng kinh tế, chính trị. Theo Singsen, Chiếm phố Wall đã làm thay đổi căn bản bức tranh chính trị của nước Mỹ, mở ra cơ hội lớn chưa từng có trong nhiều thập kỷ cho các tầng lớp lao động Mỹ đấu tranh vì quyền lợi của mình.
Bình luận về vai trò lịch sử của Chiếm phố Wall, Jackie DiSalvo, giáo sư Đại học Baruch và là thành viên một nhóm hỗ trợ Chiếm phố Wall, trích lời Vladimir I. Lenin rằng: “Có những thập kỷ khi chẳng có một điều gì xảy ra nhưng cũng có những tuần trôi qua với những biến cố đại diện cho nhiều thập kỷ”. Theo DiSalvo, Chiếm phố Wall là phong trào lao động đúng nghĩa, là một cuộc đấu tranh tái cấu trúc cơ cấu quyền lực, một cuộc chiến giai cấp.
Mặc dù chưa có dấu hiệu cho thấy Chiếm phố Wall sẽ sớm quay trở lại với qui mô rầm rộ như năm 2011, phong trào này đã để lại dấu ấn mạnh mẽ trong lịch sử đấu tranh của các phong trào bình dân ở Mỹ. “Và nếu chúng tôi vẫn còn chưa thể giành chiến thắng trong trận chiến đó thì ít nhất chúng tôi cũng đã khởi xướng cuộc đấu tranh”, DiSalvo tuyên bố.