Sống giữa nhiều 'người dương', F1 chia sẻ bí kíp âm bền vững khiến bác sĩ tai mũi họng 'bó tay'
Là thành viên duy nhất trong nhà chưa thành 'người dương', anh Thành (Long Biên, Hà Nội) chọn cách mỗi ngày 'súc họng' bằng cốc rượu thuốc khoảng 200ml chia đều cho 2 bữa trưa, tối.
Uống cồn vào trong họng không có hiệu quả diệt virus
“Vì cồn có tính sát khuẩn thì sẽ sát khuẩn được họng và ngăn ngừa lây nhiễm Covid-19. Cồn trong rượu làm cho virus chết ngay từ khi mới xâm nhập vào họng. Chắc thế nên đến giờ, tôi vẫn âm bền vững dù nhà có tới 5 người (mẹ đẻ, vợ, 3 con) đã dương”, anh Thành cho hay.
Sống giữa nhiều “người dương”, F1 chia sẻ bí kíp âm bền vững khiến bác sĩ tai mũi họng “lắc đầu” |
Tin tưởng vào cách phòng dịch của mình, người đàn ông này hay xúi những người bạn, những anh em họ hàng (bị và chưa bị) cứ “làm chén” mỗi ngày để đánh bay virus.
Cách làm này có cơ sở?
Trả lời câu hỏi này với phóng viên, PGS.TS.BS. Phạm Thị Bích Đào – Bộ môn Tai Mũi Họng, Trường Đại học Y Hà Nội cho biết, đúng là thành phần rượu có cồn nhưng nồng độ cồn để sát khuẩn phải từ 70 độ trở lên, và chỉ sát khuẩn bề mặt, trên da. Chúng ta cũng không thể ngậm rượu nồng độ cồn cao trong miệng để diệt virus, chưa kể khi đó virus đã ngấm vào trong tế bào.
Đồng thời nồng độ cồn trong rượu nếu cao còn gây tổn thương niêm mạc, dẫn tới hậu quả ngược lại mong muốn là tạo đường vào tế bào dễ dàng hơn cho các loại vi khuẩn và virus tấn công, trong đó có SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19".
"Dùng cồn chủ yếu để diệt virus ở bàn tay, ở đồ dùng, vật dụng để khử khuẩn... chứ uống cồn vào trong họng không có hiệu quả", PGS. TS Phạm Thị Bích Đào cho hay.
Chuyên gia tai mũi họng cũng dẫn chứng, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo rằng, chưa có bất kỳ một nghiên cứu khoa học nào chứng minh được rượu có thể ngăn ngừa được lây nhiễm Covid-19, thậm chí còn gây gia tăng lây nhiễm do sử dụng chung cốc uống rượu, tăng mức độ nặng của các bệnh lý nền như bệnh gan, thận….
Ngoài ra, PGS.TS.BS. Phạm Thị Bích Đào chỉ ra những phản ứng khi uống rượu như: tăng cảm giác rát ở họng do kích thích niêm mạc họng hoặc phản ứng trào ngược dạ dày – thực quản của rượu, bia...
Thức uống có cồn sẽ gây ra các thay đổi đột ngột nhiệt độ như uống bia lạnh, rượu lạnh. Sự thay đổi nhiệt độ đột ngột này dễ gây ra các chứng viêm họng. Phù họng - thanh quản do dị ứng rượu bia gây đau họng, khó thở thanh quản cấp, thậm chí có thể tử vong do phù nề thanh quản.
Người say rượu bia, nôn nhiều nên có thể tác động lên đường hô hấp trên tăng tiết dịch, sung huyết cuốn mũi nên khi ngủ phải há miệng ra để thở. Không khí thở không đi qua mũi mà đi thẳng qua miệng, không được lọc, không được làm ấm hay làm ẩm sẽ là nguy cơ gây các cơn ho và viêm họng.
Không những thế, uống rượu kích thích các phản ứng miễn dịch viêm làm tăng nguy cơ mắc các dạng bệnh nặng. Chưa kể với rượu vang, rượu rum hoặc bia đều làm giảm phản ứng của kháng thể, từ đó góp phần tăng nặng các chứng bệnh như béo phì, đái tháo đường.
“Uống rượu không những không ngăn ngừa được SARS-CoV-2 mà còn tạo điều kiện thuận lợi lây nhiễm virus này”, PGS. TS Phạm Thị Bích Đào nhấn mạnh.
Súc họng như nào cho đúng?
Thay vì uống rượu súc họng, PGS.TS.BS. Phạm Thị Bích Đào khuyến cáo mọi người thể súc miệng bằng nước muối nhạt, ấm và các dung dịch sát khuẩn họng mỗi ngày như: nước muối sinh lý 0,9% có bán sẵn tại các nhà thuốc.
Trong trường hợp không thể mua được có thể dùng 1 lít nước đun sôi để nguội, pha với 9g muối để được dung dịch có nồng độ 0,9% muối. Trời lạnh nên dùng nước muối ấm để súc họng.
Ngoài ra bạn cũng có thể dùng các dung dịch sát khuẩn thuộc nhóm kháng sinh súc họng : Loại kháng sinh được sử dụng nhiều nhất để pha chế các thuốc súc họng là tyrothricine như veybirol-tyrothricine.
Nhóm sát khuẩn: Các thuốc sát khuẩn như betadine gargle, givalex, chlorhexidine, BBM - muối borat, muối bicarbonat và methol...
Các thuốc súc họng thường được cho thêm một số chất làm dịu, làm mềm niêm mạc họng, giảm đau, giảm viêm, chống dị ứng tại chỗ như benzocaine, menthol, muối salicylate, hexetidine...
Dùng dự phòng: Súc miệng và họng trong ít nhất 30 giây. Có thể dùng 4 lần/ngày. Dùng điều trị: Súc miệng và họng trong 2 phút. Dùng 4 lần/ngày, sau ăn.
Kỹ thuật súc họng:
Nuốt một ngụm nước vừa đủ trong miệng.Giữ ở trong miệng khoảng 1 phút.Ngửa cổ khò khò để dung dịch láng hết vùng hầu họng.Dùng nước ấm để súc họng.
Súc họng khi nào?
Khi cảm thấy đau, rát, cộm, vướng, khó chịu ở vùng họng… hãy súc miệng bằng nước muối hoặc các dung dịch sát khuẩn họng nhiều lần trong ngày. Cách 1 giờ súc họng một lần.Khi vừa đi ngoài đường về, hoặc sau tiếp xúc với những nguồn có nguy cơ lây nhiễm cao…
PGS.TS.BS. Phạm Thị Bích Đào
N. Huyền