Sohaco - "ông lớn” ngành dược và việc coi thường sức khỏe người bệnh
Năm 2015 doanh thu của Sohaco đạt hơn 1800 tỷ đồng với tăng trưởng trung bình hằng năm từ 20% đến 25%. Từ năm 2009, Sohaco bắt đầu triển khai dịch vụ nhập khẩu ủy thác thuốc và lĩnh vực này nhanh chóng trở thành mũi nhọn của Sohaco với doanh thu rất lớn. Tuy nhiên, 5 lần 7 lượt, Sohaco bị cơ quan chức năng ra thông báo đình chỉ và thu hồi thuốc nhập khẩu kém chất lượng.
Người tiêu dùng cũng không thể hiểu tại sao 1 đơn vị có truyền thống như Sohaco lại liên tiếp nhập khẩu nhiều lô thuốc kém chất lượng, bị thu hồi. |
Sohaco liên tiếp “dính chàm” trong nhập khẩu ủy thác thuốc
Năm 2016 chưa khép lại, nhưng đã 3 lần Sohaco bị đình chỉ và thu hồi thuốc kém chất lượng. Cụ thể:
Viên nén Ciprofloxacin tablets USP 500mg, số lô: FCF602B, ngày SX: 03/01/2016, HD: 02/01/2019, SĐK: VN-15526-12. Thuốc này do Công ty Macleods Pharmaceuticals Ltd., India sản xuất. Công ty Cổ phần Tập đoàn Dược phẩm và Thương mại Sohaco nhập khẩu bị đình chỉ và thu hồi vào đầu tháng 11/2016.
Tháng 6/2016, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) có công văn chỉ đạo về việc cấm lưu hành trên cả nước thuốc Efixime 100DT kém chất lượng (số lô FNB-07, ngày sản xuất 26/9/2014, hạn dùng 25/9/2017, số đăng ký VN-4941-10, do Công ty All Serve Healthcare Pvt., Ltd (Ấn Độ) sản xuất) của Dược phẩm Sohaco nhập khẩu, do có chất lượng kém.
Tháng 4/2016, lô thuốc Doxicef-100 (Cefpodoxim Proxetil 100mg) Số lô: BE02, NSX: 12/9/2014, HD: 11/9/2017, SĐK: VN-4944-10 do Công ty Pragya Life sciences Pvt. Ltd Ấn Độ sản xuất và do chính CTDP&TM Sohaco nhập khẩu về nước cũng bị Sở Y tế Hà Nội yêu cầu gấp gáp thu hồi do không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu mô tả và chỉ tiêu định lượng.
Bên cạnh việc nhập thuốc không đảm bảo chất lượng, công ty này cũng từng mất lòng tin đối với người tiêu dùng trong việc báo giá sản phẩm ra thị trường. Cụ thể, cùng thời điểm thu hồi lô thuốc Doxicef-100 nói trên, Cục Quản lý Dược đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với Dược phẩm Sohaco vì hành vi thông báo không đúng cho khách hàng giá thuốc Topbit (SĐK VN-10870-10) với mức xử phạt lên tới 20 triệu đồng.
Trong năm 2013, kết quả thanh tra của Cục Quản lý Dược tại Bệnh viện Việt Đức cũng cho thấy, thuốc Zibut (hoạt chất Cefuroxime 500mg) do Dược phẩm Sohaco nhập khẩu bị bán với giá 21.000 đồng dù giá kê khai với Cục là 7.700 đồng.
Người bệnh đặt niềm tin nhầm chỗ?
Không chỉ dược phẩm Sohaco, nhiều doanh nghiệp dược phẩm lớn trong nước cũng sản xuất, phân phối, nhập khẩu thuốc kém chất lượng. Câu hỏi đặt ra là các công ty này đã tiến hành thu hồi ra sao? Bao nhiêu người đã sử dụng thuốc này? Hậu quả để lại có đo được không? Đây vẫn là câu hỏi chưa có lời giải, nhưng theo nhiều chuyên gia y tế, thuốc kém chất lượng gây nguy hại cho sức khỏe của người bệnh, người dân không chỉ trước mắt mà còn tiềm ẩn những hậu quả lâu dài khi quá trình sử dụng thuốc kém chất lượng có thể dẫn đến biến chứng bệnh, kháng thuốc….
Trao đổi với Infonet, ThS.BS Nguyễn Trung Cấp – Trưởng khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TW khẳng định: Về các thuốc, trong đó có các kháng sinh, sẽ chia thành 3 thang bậc từ cao xuống thấp để đánh giá chất lượng. Thứ 1 là thuốc tương đương điều trị, thứ 2 là thuốc tương đương sinh học, thứ 3 là thuốc tương đương hàm lượng. Nếu đạt được các đánh giá này thì có thể chấp nhận trong điều trị. Còn nếu là thuốc kém chất lượng thì không có giá trị điều trị bệnh, thậm chí làm gia tăng tỷ lệ tai biến, tác dụng phụ của thuốc có thể gây ngộ độc, hoặc làm kéo dài thời gian điều trị của bệnh nhân.”
Nhận định về việc nhiều doanh nghiệp dược lớn như Sohaco làm ăn bát nháo, Bác sĩ Trần Trọng An – Nguyên phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em cho rằng: “Những loại thuốc giả, thuốc kém chất lượng vẫn nhởn nhơ tồn tại ngoài thị trường, đến tay bệnh nhân. Những loại thuốc này đã được cấp phép, và nếu bị phát hiện thì thu hồi, chế tài xử phạt cùng thật nhẹ nhàng… Thuốc cứ bán và người bệnh vẫn vô tình mua phải. Nhưng đừng quên, còn thuốc kém chất lượng thì có nghĩa là còn đầu độc cả một thế hệ Việt Nam”.
Ông Nguyễn Thế Tin, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư kí hội Dược học Việt Nam cho rằng: “Thuốc là để chữa bệnh. Người bệnh thì trông chờ vào việc chẩn đoán bệnh chính xác của bác sỹ, và lương tâm của các nhà sản xuất, phân phối thuốc”.
Thuốc là một mặt hàng đặc biệt, việc liên tiếp phải thu hồi các lô thuốc kém chất lượng đang đặt ra câu hỏi về hiệu quả của công tác quản lý thuốc nhập khẩu cũng như trách nhiệm của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.
Mộc Miên