Sốc: 7,2% phụ nữ bị bạo hành từng thử tự sát trong thời gian dịch Covid-19
Trong thời gian dịch Covid-19 xảy ra, 51% phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình từng nghĩ đến tự sát, trong số đó 7,2% đã thử tự sát để kết thúc cuộc sống.
TS. Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội |
Lý do gia tăng bạo lực gia đình trong thời gian đại dịch
Chia sẻ với phóng viên, TS. Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội cho biết có nhiều nguyên nhân khiến bạo lực gia đình xảy ra nhiều hơn trong thời gian đại dịch.
Trong đó, mất việc làm hoặc không có thu nhập là nguyên nhân chính gây ra bạo lực gia đình. Điều này giải thích vì sao xung đột hôn nhân, gia đình, hành vi kiểm soát cũng như bạo lực thể chất và tinh thần xảy ra thường xuyên hơn đối với phụ nữ thuộc các hộ gia đình có thu nhập thấp hơn hoặc mất thu nhập trong đại dịch Covid-19. Mâu thuẫn thường bắt nguồn từ những xung đột tài chính và cuối cùng dẫn tới các hành vi bạo lực về tâm lý và thể chất.
Chị Nguyễn Thị H., một nông dân 40 tuổi ở huyện Phúc Thọ, Hà Nội kể lại, hai vợ chồng vốn không có lương tháng. Chồng chị làm ở khu công nghiệp gần nhà, nhưng hàng tháng cũng chỉ có khoảng 15 ngày có việc làm, còn lại anh ở nhà nghỉ ngơi. Dịch Covid-19 xảy ra, công ty không có đơn hàng, chồng chị H. mất việc nên ở nhà nghỉ hẳn.
“Đã túng càng thêm thiếu, kinh tế túng thiếu sinh ra nhiều chuyện lắm. Thời gian đấy chồng về nhà hay hạnh hoẹ vợ con. Bất kể lúc nào cần tiền, chồng lại hỏi. Có khi là những khoản tiền không cần thiết như mua rượu, mua thuốc hay bộ áo quần… Không được đáp ứng là anh quay ra đánh vợ, đánh con. Hai mẹ con tôi từng bị đuổi ra đường giữa đêm”, chị H. nhớ lại.
Tình hình của gia đình chị H. được cải thiện hơn rất nhiều khi dịch bệnh lắng xuống và hết thời gian giãn cách xã hội. “Anh ấy được công ty gọi đi làm lại, dù khi có tiền không phải cho vợ con đồng nào nhưng anh ấy đỡ hẳn đánh vợ con”, chị H. thở phào kể.
Cùng cảnh ngộ với H., chị M.P (33 tuổi, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng ngán ngẩm khi nhắc đến “nạn dịch trong bóng tối”. Trong thời gian nghỉ việc phòng tránh đại dịch, chồng chị không chỉ mắng chửi vợ mà còn thượng cẳng tay, hạ cẳng chân với người vợ đầu ấp tay gối mỗi ngày.
“Đánh dã man”, chị M.P bắt đầu câu chuyện như thế. “Không có nguồn thu nhập nhưng nhậu nhẹt suốt ngày rồi đòi ăn thứ này thứ kia. Mà nói thật, hai vợ chồng đều thất nghiệp lấy đâu ra tiền mà mua. Rồi nhiều cái muốn chi tiêu nhưng mình làm gì có tiền cứ hạn chế thôi. Thế là cãi nhau, đánh nhau”, chị M. P nói và chìa ra những vết sẹo tàn dư những trận đòn từ chồng.
Phụ nữ bị bạo lực gia đình từng nghĩ đến tự sát
Theo TS Khuất Thu Hồng, trên đây chỉ là 2 trong tổng số rất nhiều phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình trong thời kỳ diễn ra dịch Covid- 19, là đối tượng của nghiên cứu “Tác động của Covid- 19 tới bạo lực gia đình với phụ nữ tại Hà Nội” do Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội và Trường ĐH Y tế Công cộng thực hiện.
Cuộc nghiên cứu được triển khai và thực hiện từ tháng 6 đến tháng 9 năm 2020. Đã có 303 phụ nữ trong độ tuổi từ 18- 60 đang sinh sống trên địa bàn Thành phố Hà Nội và là nạn nhân của bạo lực tinh thần, thể chất và tình dục do chồng/bạn tình gây ra đã trả lời phỏng vấn.
TS Khuất Thu Hồng cho biết, cuộc nghiên cứu đã phát hiện bạo lực dưới các hình thức khác nhau trong thời gian diễn ra dịch Covid- 19.
Trong đó, 34% phụ nữ bị bạo hành về kinh tế, 87,9% bị bạo hành về tinh thần; 59% bị bạo hành về thể xác và 25% cho biết đã bị bạo hành về tình dục.
Đáng chú ý hơn là phần lớn những phụ nữ trong mẫu nghiên cứu cho biết các hình thức bạo lực xảy ra nhiều hơn trong thời gian diễn ra dịch Covid- 19.
Theo đó, có đến 80,7% phụ nữ chia sẻ rằng các tình huống bạo lực gia đình về thể chất, tinh thần, tình dục đã gây ra tổn thương, chấn thương cho bản thân họ; 75% phụ nữ chịu tổn thương về mặt tâm lý, tỷ lệ phụ nữ bị chấn thương về mặt thể xác là 43,3%.
Đáng buồn hơn, trong thời gian dịch Covid- 19 xảy ra, 51% phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình từng nghĩ đến tự sát, trong số đó 7,2% đã thử tự sát để kết thúc cuộc sống.
N. Huyền