So với Mỹ, tàu sân bay Trung Quốc còn quá "non nớt"
Theo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), tàu sân bay vốn được coi là tàu chiến hùng mạnh nhất mà chỉ số ít quốc gia trên thế giới sở hữu. Không chỉ thể hiện sức mạnh Hải quân, tàu sân bay còn là biểu tượng cho một quốc gia và Trung Quốc không phải ngoại lệ. Thậm chí, chính quyền Bắc Kinh còn nuôi tham vọng xây dựng một lực lượng hàng hải hùng mạnh với sự góp mặt của chính các tàu sân bay và tàu chiến do Trung Quốc tự sản xuất.
Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc. |
Hành trình di chuyển tới Tây Thái Bình Dương tập trận là chuyến đi biển dài nhất mà tàu sân bay Liêu Ninh từng thực hiện dù đã được biên chế vào quân đội Trung Quốc từ năm 2012. Trong hành trình này, Liêu Ninh đã hai lần đi qua Đài Loan và tiến vào Biển Đông.
Đáng nói, cuộc diễn tập trên diễn ra sau sự kiện Tổng thống Mỹ Donald Trump tiến hành điện đàm với Nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn. Ông Trump còn đặt ra câu hỏi liệu Mỹ có nên duy trì quan điểm đối với chính sách "một Trung Quốc" vốn coi Đài Loan chỉ là một tỉnh ly khai của Trung Quốc.
Trước khi điều động Liêu Ninh đi tập trận ở Tây Thái Bình Dương, Bắc Kinh vẫn khẳng định tàu sân bay này chủ yếu được dùng để tham gia các bài tập huấn luyện và nghiên cứu. Tuy nhiên, sự xuất hiện của Liêu Ninh trong cuộc tập trận hồi tháng 12/2016 đã làm dấy lên mối nghi ngờ về khả năng Bắc Kinh muốn thi hành chính sách "ngoại giao pháo hạm" từng xuất hiện trên thế giới trong khoảng thời gian giữa thế kỷ 19 và giữa thế kỷ 20.
Đáng nói, giá trị của tàu sân bay còn được thể hiện cả trên phương diện chính trị và quân sự. Đối với Mỹ, tàu sân bay có thể được xem là vũ khí tối tân nhất của quốc gia nhằm thể hiện sức mạnh quân sự vượt trội. Hành trình di chuyển và các chuyến ghé thăm cảng của tàu sân bay còn thể hiện thông điệp mạnh mẽ hơn. Cụ thể, vào năm 1995, Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là ông Bill Clinton đã điều động 2 tàu sân bay tới eo biển Đài Loan. Đây là phản ứng của Mỹ trước việc quân đội Trung Quốc đe dọa an ninh của Đài Loan.
Còn trong 70 năm qua, hạm đội tàu sân bay của Mỹ đã giúp Mỹ thể hiện sức mạnh ngoại giao và ưu thế chiến lược trên toàn thế giới. Đây chính là lý do khiến nhiều nước mong muốn tự phát triển hạm đội tàu sân bay của mình tương xứng với tiềm lực kinh tế quốc gia. Nhiều chuyên gia quân sự cho rằng một quốc gia cần có 3 tàu sân bay để duy trì hoạt động thường xuyên. Nhưng cho tới nay, mới chỉ có Mỹ làm được điều này.
Về phần mình, ngoài Liêu Ninh, Trung Quốc đang cho đóng tàu sân bay thứ hai. Trung Quốc cũng hy vọng sở hữu 3 tàu sân bay trong vòng 20 năm. Tuy nhiên, giới chuyên gia quân sự cho rằng ngay cả khi chính quyền Bắc Kinh hiện thực hóa được tham vọng quân sự, hiệu quả và năng lực hoạt động thực tế của quân đội Trung Quốc vẫn có nhiều mặt hạn chế. Có thể nói, sau khi hoàn thành chương trình hiện đại hóa quân sự, Trung Quốc sẽ ngày càng thúc đẩy năng lực phòng thủ trong khu vực. Nhưng trên phương diện toàn cầu, hạm đội của Trung Quốc vẫn bị đánh giá còn quá non trẻ.
Cụ thể, giống như Liêu Ninh, các tàu sân bay của Trung Quốc vẫn sẽ chỉ đạt được lượng giãn nước tiêu chuẩn là 50.000 tấn và sử dụng công nghệ lỗi thời cất cánh "kiểu nhảy cầu". Do đó, tàu chiến của Trung Quốc sẽ không đủ khả năng cạnh tranh với 11 tàu sân bay hạt nhân của Mỹ bao gồm 10 tàu lớp Nimitz. Toàn bộ tàu sân bay của Mỹ hiện đều có lượng giãn nước lên tới hơn 100.000 tấn. Trong khi đó, nhóm tàu sân bay của Trung Quốc sẽ phải mất hơn 10 năm để xây dựng, chuyển giao, huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu.
Bên cạnh việc sở hữu dàn vũ khí hiện đại, phạm vi hoạt động của Hải quân Mỹ xa hơn Trung Quốc rất nhiều. Quân đội Mỹ còn nắm trong tay kinh nghiệm dày dặn chiến đấu và hỗ trợ hậu cần trong thực tế. Nói cách khác, hạm đội tàu chiến của Trung Quốc mới chỉ bước vào những chuyến đi biển đầu tiên.