Sợ Triều Tiên thử tên lửa, Trung Quốc triển khai quân đến biên giới chung
Theo Trung tâm thông tin Nhân quyền và Dân chủ, một tổ chức phi chính phủ có trụ sở ở Hong Kong, Bắc Kinh đã triển khai 2.000 binh lính tới biên giới. Nhiều binh lính Trung Quốc có nhiệm vụ đo mức độ nhiễm xạ nếu Bình Nhưỡng tiến hành thử hạt nhân.
Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc triển khai quân đội dọc biên giới Triều Tiên. Hồi tháng 1, sau khi Bình Nhưỡng utyeen bố thử thành công bom nhiệt hạch, Bắc Kinh đã cử 3.000 binh lính tới để bảo vệ biên giới. Tương tự, hồi cuối năm 2013, Trung Quốc cũng triển khai binh lính sau khi ông Jang Sung Taelk, cậu của lãnh đạo Kim Jong Un, bị tử hình.
Triều Tiên có thể đang chuẩn bị cho vụ thử hạt nhân thứ năm. Nguồn: Reuters |
Bên cạnh nhiệm vụ đo phóng xạ và quan sát, việc điều chuyển quân của Bắc Kinh còn ẩn chứa một ý nghĩa khác. Mối quan hệ giữa hai đồng minh lâu năm này bắt đầu căng thẳng từ năm 2012, khi ông Kim Jong Un lên nắm quyền. Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục phát triển chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân bất chấp những lời cảnh báo từ Bắc Kinh.
Vào tháng 12/2015, Trung Quốc tuyên bố sẽ không cung cấp nhiên liệu hóa thạch cho Bình Nhưỡng, cắt bỏ mối liên hệ cuối cùng của chế độ Kim Jong Un với cộng đồng thế giới, cùng với các biện pháp trừng phạt khắt khe hơn dành cho Triều Tiên.
Trong những tháng gần đây, Triều Tiên liên tục đe dọa Mỹ và Hàn Quốc. Hồi tháng 2 vừa qua, Mỹ và Hàn Quốc tiến hành tập trận chung giả định về một cuộc chiến toàn diện với Bình Nhưỡng. Washington cũng điều máy bay ném bom hạt nhân B-52 và B-2 tới bán đảo Triều Tiên.
Đáp lại các hành động trên, Triều Tiên đã tiến hành một vài vụ thử tên lửa đạn đạo và tuyên bố các nhà khoa học nước này đã thu nhỏ thành công một đầu đạn hạt nhân, một bước tiến lớn hướng tới một vụ tấn công hạt nhân nhằm vào người láng giềng Hàn Quốc và Mỹ.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Sputnik, hãng thông tấn mới của Nga khai trương ngày 10/11/2014, có quy mô toàn cầu để cạnh tranh trên thị trường truyền thông thế giới. Sputnik thay thế các dịch vụ truyền thông tiếng nước ngoài của hãng thông tấn RIA Novosti và đài phát thanh Tiếng nói nước Nga.