Sợ thảm sát nhưng dân Mỹ vẫn thích súng
Vụ thảm sát vừa xảy ra tại một trường tiểu học ở Newtown (bang Connecticut, Mỹ) vừa qua khiến 28 người chết đã trở thành một tiếng chuông báo động khẩn cấp đối với vấn đề sở hữu súng đạn cá nhân của nước Mỹ. Các cuộc tranh luận giữa giới chính trị gia và luật gia về vấn đề này lại một lần nữa nóng lên nhưng đến nay tất cả vẫn chỉ dừng lại ở mức độ… tranh luận.
Tổng thống Obama chảy nước mắt khi phát biểu sau vụ thảm sát ở Newtown, Connecticut. |
Góp thêm tiếng nói vào vấn đề này, mới đây Viện nghiên cứu và thăm dò xã hội Gallup đã tiến hành một cuộc khảo sát ý kiến các cá nhân về quan điểm của họ với câu hỏi: Có hay không sự ủng hộ đối với Hiệp hội súng quốc gia Mỹ (NRA).
Kết quả mà Gallup nhận được khiến không ít người ngạc nhiên. Có đến 54% dân Mỹ (được khảo sát) cho biết họ ủng hộ sự tồn tại của NRA và chỉ có 38% phản đối Hiệp hội này.
Tuy vậy, tỷ lệ 54% cho thấy mức độ ủng hộ của người dân Mỹ đối với vấn đề súng đạn đã giảm đi chút xíu so với mức 60% của năm 2005 nhưng lại cao hơn so với kết quả của các cuộc khảo sát hồi cuối những năm 1990 đầu những năm 2000.
Theo Gallup, các thành viên của đảng Cộng hòa vẫn tiếp tục suy trì mức độ ủng hộ rất cao đối với NRA (83% ủng hộ, 14% phản đối và 4% không ý kiến). Trái ngược, đảng Dân chủ lại có 58% phản đối, 36% ủng hộ và 5% không ý kiến. Nhưng cá nhân độc lập có tỷ lệ ủng hộ là 54%, phản đối 34% và 12% không ý kiến.
Sự đau khổ của một bà mẹ mất con trong vụ thảm sát ở Newtown. |
Trên thực tế, từ nhiều thập kỷ nay, quan điểm của người dân Mỹ về vấn đề sở hữu súng đạn cá nhân vẫn khá phức tạp. Năm 1999, sau khi vụ thảm sát ở trường trung học Columbine (bang Colorado) xảy ra, tỷ lệ người ủng hộ một đạo luật kiểm soát súng đạn đã tăng thêm 8% và đạt mức 65%.
Tuy nhiên, trong suốt 12 năm qua, tỷ lệ người dân Mỹ ủng hộ quyền sở hữu súng đạn cá nhân lại liên tục tăng lên. Đặc biệt, sau vụ xả súng tại rạp chiếu phim ở bang Colorado hồi giữa năm 2012 vừa qua, số người dân Mỹ ủng hộ việc sở hữu súng lại tăng vọt so với số người cho rằng đó là vấn đề cần phải được kiểm soát chặt chẽ hơn. Đến khi vụ xả súng gây thảm sát ở trường tiểu học Newtown xảy ra, tỷ lệ này lại có sự đảo chiều nhanh chóng khi có 49% người Mỹ cho rằng cần phải có đạo luật kiểm soát súng và 42% tiếp tục ủng hộ việc bảo vệ quyền được sở hữu súng. Một loạt các cuộc thăm dò dư luận thời gian qua cho thấy tỷ lệ cử tri Mỹ có xu hướng ủng hộ việc ban hành luật kiểm soát súng đã đạt mức cao nhất kể từ khi ông Obama nhậm chức Tổng thống Mỹ.
Dẫu vậy, sự phân hóa vẫn tiếp tục xảy ra. Nghiên cứu của trung tâm PEW cho biết, 51% đàn ông Mỹ ủng hộ quyền được mang súng trong khi chỉ có 33% phụ nữ tán đồng quan điểm này. Người Mỹ da trắng tỏ ra khá “cân bằng” trong quan điểm về súng đạn với tỷ lệ ủng hộ là 51% và 42% phản đối. Ngược lại, người Mỹ gốc Phi lại tỏ ra rất “thích thú” với vấn đề súng đạn khi có tới 68% ủng hộ và 24% phản đối sở hữu súng cá nhân.
Bất chấp sự “đa dạng” trong các luống ý kiến về việc có tiếp tục cho phép cá nhân sở hữu súng hay không thì đa số người Mỹ lại thống nhất với nhau một điểm rằng các loại súng bán tự động hay tự động cần phải bị cấm mua bán và lưu hành. Tương tự, có khoảng 62% dân Mỹ tán đồng quan điểm rằng cần phải khôi phục lại lệnh cấm các loại súng tấn công (đã hết hạn hồi năm 2004 và không được gia hạn). Có khoảng 59% ủng hộ đề xuất là ban hành lệnh cấm các loại băng đạn có thể chứa được từ 10 viên đạn trở lên nhằm hạn chế khả năng xảy ra các vụ thảm sát hàng loạt như vừa qua.
Không thống nhất được quan điểm về một đạo luật kiểm soát súng đạn nhưng đa số người Mỹ ủng hộ lệnh cấm lưu hành các loại súng trường bán tự động, súng trường tấn công và băng đạn dung tích lớn trên 10 viên |
Kiên quyết bảo lưu truyền thống được tự do sở hữu súng đạn cá nhân nhưng 46% người dân Mỹ cho rằng chính phủ cần làm “điều gì đó để ngăn chặn những vụ thảm sát kiểu như ở Newtown, Connecticut tái diễn”.
Thật hài hước hơn nữa là ngay khi vụ án Newtown vừa xảy ra, nhu cầu mua đạn của người Mỹ đột nhiên tăng vọt.