Sợ nhồi nhét nhiều người đi xe máy hơn 300km về quê ăn Tết
Theo tính toán của anh Phan Thanh Lộc, sinh viên trường ĐH Thể dục Thể thao Bắc Ninh thì tiền vé về và gửi xe máy về cùng đã mất gần cả triệu. Rồi sau Tết, lại nhồi nhét chặt chém nữa, về có mấy ngày mà riêng cái chi phí khoản xe cộ quả không nhỏ thế nên anh quyết định về quê bằng xe máy để tiết kiệm tiền. Xe máy xuất phát lúc 10h sáng và đến 6h tối thì về đến nhà.
Những cảnh chen lấn như thế này khiến nhiều người quyết định đi xe máy về quê |
“Đây là lần thứ hai mình về quê bằng xe máy. Đi thế này đương nhiên mệt nhưng mình về Vinh cả người lẫn xe hết 600.000 đồng mà các xe khách tết nhất lúc nào cũng bắt khách, nhồi nhét trên xe nên thôi quyết định đi về bằng xe máy, chỉ bỏ ra khoảng 150.000 đồng tiền xăng, chi phí này chia đôi cho hai người nên tiết kiệm được rất nhiều”, anh Lộc cho hay.
Anh Lộc cũng cho biết bạn bè trong lớp cũng có 6-7 người tự đi xe máy về quê. Đương nhiên việc đi xe máy đường dài ai cũng hiểu tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm nhất là thời điểm giáp Tết lượng phương tiện giao thông rất đông.
“Lần này mình cùng đứa bạn về chung xe nên hai đứa thay nhau lái cũng đỡ mệt hơn. Lúc nào mệt quá thì nghỉ ngơi uống nước rồi đi tiếp. Lần trước cũng đi xe về quê một mình, về đến nhà mặt mũi phờ phạc, ốm tận ba ngày liền”, anh Lộc cho biết thêm.
Đặt vé về hôm 26 Tết nhưng không được, mấy hãng xe có tiếng như Văn Minh thì hết vé, còn các xe khách khác tăng giá gấp đôi từ 150.000 lên 280.000 đồng. Gia tăng nhưng chất lượng không tăng thậm chí nhồi nhét, bắt khách dọc đường nên anh Nguyễn .C. Đạt đành quyết định đi xe máy về quê Nghệ An để ăn Tết.
Mệt mỏi đợi xe |
“Năm ngoái cũng tầm 28 mới về quê, giá vé bị tăng gấp đôi thế mà mình bị người ta nhét ngồi luồng, 6 giờ đồng hồ trên xe, ngay cả chỗ để duỗi chân cũng không có, bây giờ nghĩ lại vẫn thấy sợ”, anh Đạt chia sẻ.
Theo anh Đạt thì đi xe máy hơi mệt nhưng mình có thể dừng nghỉ lúc nào cũng được, về đường quốc lộ 1a hơi đông nhưng xe có hỏng hóc cũng ko lo tìm chỗ sửa xe. Bình thường mất 6 tiếng đi xe khách về đến nhà thì mình chịu khó đi chậm hơn cho an toàn.
Hỏi Anh Đạt có ý định đi xe máy tiếp nữa không, anh Đạt cho biết ra Tết sẽ lại xe máy ra Hà Nội tiếp.
Cũng có cùng hoàn cảnh như anh Lộc, Đạt, anh Hoài Nam (Sinh viên ĐH Phương Đông) quê Bỉm Sơn, Thanh Hóa cũng chấp nhận đi xe máy về quê. Hai anh em đều học ngoài Hà Nội, tiền vé về hai người, tiền gửi xe, mùng 9 lại quay ra Hà Nội nữa, nghĩ đến là đau đầu nên hai anh em cũng đi về bằng xe máy.
“Đợt trước mình đi xe máy hơn 150km về nhà mất 3 tiếng rưỡi, về đến nhà kể chuyện mấy đứa nó trêu đi thế không sợ về bằng đường ảnh à nhưng nói thật đi xe máy cho chủ động, thoải mái chứ mấy lần đi xe khách bị nhồi nhét sợ quá. Hai anh em đi về thay nhau lái cũng đỡ mệt, đỡ buồn ngủ mà tiết kiệm được nửa triệu tiền xe”.