Số lượng và cơ cấu Ban thường vụ, Phó bí thư cấp tỉnh nhiệm kỳ mới
Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng quy định rõ cơ cấu, số lượng cấp ủy viên, ủy viên thường vụ và phó bí thư cấp ủy các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Hà Nội và TP.HCM không quá 3 Phó bí thư
Chỉ thị nêu rõ việc thống nhất chủ trương thực hiện giảm khoảng 5% số lượng cấp ủy viên cấp tỉnh, cấp huyện so với số lượng tối đa được cấp có thẩm quyền xác định ở nhiệm kỳ 2015 - 2020.
Căn cứ vào chủ trương này, các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc TƯ xác định cụ thể số lượng cấp ủy viên cấp tỉnh, cấp huyện và tương đương nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc TƯ căn cứ vào tình hình, yêu cầu, nhiệm vụ chính trị cụ thể của địa phương, đơn vị và khả năng đáp ứng của cán bộ để xác định cơ cấu cấp ủy cho phù hợp.
Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội khóa 16, nhiệm kỳ 2015-2020 bầu Ban chấp hành Đảng bộ khóa mới. Ảnh:Nguyên Trí |
Về số lượng Ban thường vụ tỉnh ủy/thành ủy, Chỉ thị 35 nêu rõ, Thành ủy Hà Nội, TP.HCM, Tỉnh ủy Thanh Hóa, Nghệ An không quá 17 người. Các tỉnh ủy, thành ủy còn lại và các đảng ủy khối trực thuộc TƯ từ 13 - 15 người.
Định hướng cơ cấu Ban thường vụ gồm có: Bí thư, phó bí thư; chủ tịch và 1 phó chủ tịch HĐND; chủ tịch và 1 phó chủ tịch UBND; chủ nhiệm UB kiểm tra cấp ủy và trưởng các ban: Tổ chức, Tuyên giáo, Dân vận, Nội chính; Chủ tịch MTTQ (ở những nơi chưa thực hiện trưởng ban Dân vận đồng thời là chủ tịch MTTQ); chỉ huy trưởng quân sự, giám đốc công an; người đứng đầu cấp ủy một số địa bàn, lĩnh vực quan trọng cần tập trung sự lãnh đạo của ban thường vụ cấp ủy.
Chỉ thị 35 quy định rõ, Hà Nội và TP.HCM không quá 3 Phó bí thư. Các tỉnh thành còn lại và đảng ủy khối trực thuộc TƯ không quá 2 Phó bí thư.
Số lượng cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ cấp ủy, phó bí thư được tăng thêm để luân chuyển, đào tạo theo quy hoạch của TƯ không tính vào số lượng cấp ủy nêu theo quy định của Chỉ thị này.
Đồng thời, việc giới thiệu và bầu cử đối với số cán bộ được tăng thêm hiện đang công tác ở địa phương vẫn thực hiện theo quy định hiện hành.
Đối với huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, Chỉ thị quy định số lượng ủy viên ban thường vụ từ 9 - 11 người. Đối với những nơi có số lượng đảng viên lớn hoặc tính chất nhiệm vụ, địa bàn phức tạp số lượng ủy viên ban thường vụ không quá 13 người. Số lượng phó bí thư 2 người.
Đối với các đảng bộ trực thuộc đảng ủy khối ở TƯ, số lượng ủy viên ban thường vụ từ 9 – 11 người, phó bí thư từ 1 - 2 người.
Đối với đảng bộ khối cơ quan tỉnh, thành phố và đảng bộ cấp trên trực tiếp cơ sở khác (các tập đoàn, tổng công ty, các ngân hàng thương mại nhà nước hoặc nhà nước có cổ phần chi phối), số lượng ủy viên ban thường vụ từ 7 – 9; phó bí thư từ 1 - 2 người.
Đảng bộ Quân đội và Công an thực hiện theo quy định riêng của Bộ Chính trị.
Nữ lần đầu tham gia cấp ủy sinh từ tháng 9/1970 trở lại đây
Về độ tuổi cấp ủy viên nhiệm kỳ 2020 – 2025, Chỉ thị 35 quy định những trường hợp lần đầu tham gia cấp ủy cấp tỉnh ít nhất nam sinh từ tháng 9/1965 và nữ sinh từ tháng 9/1970 trở lại đây (trừ các trường hợp được kéo dài thời gian công tác như đối với nam).
Đối với cấp huyện, ít nhất nam sinh từ tháng 6/1965, nữ sinh từ tháng 6/1970 trở lại đây.
Những trường hợp được giới thiệu tái cử cấp ủy cấp tỉnh, Chỉ thị 35 quy định rõ, nam sinh từ tháng 3/1963 và nữ sinh từ tháng 3/1968 trở lại đây (trừ các trường hợp được kéo dài thời gian công tác như nam).
Riêng các trường hợp có dự kiến giới thiệu ứng cử các chức danh lãnh đạo HĐND, UBND nhiệm kỳ 2021 – 2026 thì nam sinh từ tháng 9/1963 và nữ sinh từ tháng 9/1968 trở lại đây (trừ các trường hợp được kéo dài thời gian công tác như đối với nam).
Riêng đối với các ủy viên TƯ Đảng sẽ do Bộ Chính trị nghiên cứu, xem xét trình BCH TƯ quyết định.
Đối với cấp huyện, Chỉ thị quy định, nam sinh từ tháng 12/1962 và nữ sinh từ tháng 12/1967 trở lại đây. Riêng các trường hợp có dự kiến giới thiệu ứng cử các chức danh lãnh đạo HĐND, UBND quận, huyện nhiệm kỳ 2021 – 2026 thì nam sinh từ tháng 9/1963 trở lại đây và nữ sinh từ tháng 9/1968 trở lại đây.
Đối với lực lượng vũ trang, độ tuổi tham gia cấp ủy căn cứ vào độ tuổi nghỉ hưu quy định tại luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam và luật Sĩ quan Công an nhân dân Việt Nam. Các nhân sự tham gia cấp ủy địa phương thực hiện theo quy định chung về độ tuổi tham gia cấp ủy các cấp theo Chỉ thị của Bộ Chính trị.
Các trường hợp tham gia cấp ủy trong đảng bộ Quân đội, Công an, tuổi tái cử phải đủ tuổi công tác ít nhất 1/2 nhiệm kỳ (30 tháng đối với nhiệm kỳ 5 năm), trường hợp đặc biệt còn tuổi công tác từ 1 năm (12 tháng) đến dưới 30 tháng phải là các người có năng lực, đủ sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ, uy tín cao, hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên và phải được cấp có thẩm quyền bổ nhiệm cán bộ xem xét, quyết định.
Theo tinh thần này, Quận ủy TƯ và Đảng ủy Công an TƯ hướng dẫn cụ thể về độ tuổi cấp ủy viên ở các đảng bộ trực thuộc.