Smartphone làm "tê liệt" học trò
(Dân trí) - Với chiếc smartphone có kết nối mạng trong tay, nhiều học trò có thể hoàn toàn bị "tê liệt", mất đi ý thức và sự tương tác, kết nối với xung quanh.
Diễn giả cứ nói, học trò bận cắm mặt vào điện thoại
Mới đây, tại một trường THPT ở TPHCM, trong những trường được chọn tổ chức chuyên đề giáo dục ý nghĩa với những diễn giả uy tín, là những "nhân vật sống" trong đời thường.
Cả ngàn học sinh (HS) ngồi dưới, trên sân khấu, diễn giả đầy cảm xúc chia sẻ về những trải nghiệm, về giá trị, nghị lực sống, khát vọng sống... với đủ các cung bậc.
Những bài học, kinh nghiệm mà chắc chắn các em không dễ dàng tìm thấy được trên ghế nhà trường, qua những giờ học thêm, những bài tập...
Lẽ ra buổi chuyên đề sẽ rất giá trị nếu không có... điện thoại. Bên trên, diễn giả cứ nói. Bên dưới, sau phút giới thiệu ban đầu, số đông HS bắt đầu lôi smartphone ra.
Các bạn nữ chụp ảnh tự sướng, lướt Facebook, đeo tai nghe xem clip... Nhiều nam sinh bấm game, có nơi 2 - 3 em tụm lại vào một chiếc điện thoại, có em quay hẳn lưng lại về phía sân khấu.
Các em không còn một chút ý thức hay trách nhiệm nào về việc mình ngồi ở đây, không còn một chút tôn trọng nào đối với các diễn giả, đối với nhà trường đã đổ tâm sức tổ chức chuyên đề.
Đến một vấn đề nào đó, khi diễn giả hỏi lớn: Các em có đồng ý không? Bạn nào đã từng gặp hoàn cảnh như vậy?..., nhiều HS mới ngơ ngác ngước mắt lên, giơ tay theo đám đông mà không hề hay biết đang nói đến chuyện gì.
Sẽ có người quay sang chê diễn giả nói không hay, không thu hút. Nhưng trong bối cảnh, smartphone trong tay học trò, được dùng tự do, đố diễn giả tài ba nào thu hút nổi các em. Các em có nghe đâu mà thu với hút.
Thấy rõ bất cập này, tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TPHCM, với nhiều tiết học giáo viên cho phép, HS có thể sử dụng điện thoại.
Tuy nhiên, ở các hội nghị, chuyên đề có giảng viên, diễn giả đến nói chuyện, cô Đặng Ngọc Trâm Anh, Trợ lý thanh niên cho biết trường cấm tuyệt đối HS không được mang điện thoại vào. Vì có điện thoại trong tay, so với mục đích tốt ban đầu, sau đó, HS rất khó kiểm soát.
Đi học nhóm, giao việc cho bạn vì bận... điện thoại
Một nhóm HS ra công viên cùng học, tìm hiểu về môn Sinh vật. Các bạn mang theo đất, cây, nước và nhiều dụng cụ nghiên cứu khác.
Các bạn cần dùng điện thoại để tra cứu thông tin, tìm hiểu kiến thức. Nhưng cũng chỉ được vài phút đầu, có những thành viên bắt đầu... rà sang các nội dung khác trên mạng.
Thế rồi, họ lại góc khác, ngồi xem điện thoại, để mặc cho những người còn lại tự làm, tự mày mò. Lâu lâu, các bạn chạy lại hưởng ứng bằng cách giờ điện thoại chụp ảnh, quay clip, chỉnh sửa, nhận xét vài lời.
Một buổi làm việc của nhóm nhưng thật ra, chỉ một hai người làm chính thức, còn lại bận rộn điện thoại.
Đây cũng là tình trạng chung của rất nhiều hoạt động nhóm, ngoại khóa, học trải nghiệm khác của học sinh. Thay vì tập trung vào việc học, trao đổi, làm việc cùng với mọi người thì không ít HS hoàn toàn đang bận lên mạng xem clip nhảm, lướt facebook, chơi game...
PGS.TS Lương Thị Ngọc Ánh, Trưởng bộ môn Giáo dục thể chất, ĐH Hồng Bàng bày tỏ, học trò cần có sự lắng nghe, có sự tương tác, lắng nghe với mọi người xung quanh, với bạn bè, từ bài giảng của giáo viên... mới được truyền lửa, mới nuôi dưỡng được tâm hồn, để có thể phát triển tình cảm, nhân cách.
Việc sa vào điện thoại một cách mất kiểm soát, bà Ánh cảnh báo, HS sẽ thiếu hoạt động vận động, ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, kéo theo ảnh hưởng về sức khỏe tinh thần và xã hội.
Đưa "Smartphone trong đời sống xã hội" vào giảng dạy Với hoạt động ngoài giờ lên lớp và các hoạt động trải nghiệm năm học 2020-2021, Sở GD&ĐT TPHCM đưa ra một số chuyên đề để các trường thực hiện như Smartphone trong đời sống xã hội; Văn hoá giao thông; Văn hóa gia đình; Nghề tương lai trong cách mạng 4.0; Giao tiếp mạng xã hội... |
Các em tương tác với vật vô tri vô giác, mất đi cảm xúc con người: "Hai HS ngồi cạnh nhau, mỗi em cầm một cái điện thoại thì không còn cảm xúc gì với nhau nữa. Cảm xúc của con người chỉ sinh ra khi có sự giao tiếp, tương tác, trò chuyện... ", bà Ánh nói.
Với những tác động khủng khiếp của điện thoại trong đời sống của học trò, việc lo học sinh nghiện điện thoại nếu được sử dụng trong lớp qua vài tiết học 45 phút khi được giáo viên cho phép, quản lý... dường như đã hơi lo xa.
Trong bối cảnh tiết học, nếu giáo viên đã chủ động cho phép sử dụng ít nhiều họ sẽ có cách quản lý, mục đích sử dụng điện thoại là tích cực, nhằm phục vụ cho việc học.
Việc quản lý, chỉ dẫn HS sử dụng điện thoại trong sinh hoạt, ở trường, ở nhà... cùng với trách nhiệm của gia đình cùng với ý thức của các em mới thật sự là điều cần sốt sắng.
Hoài Nam
Theo dantri.com.vn