SIPRI: Trung Quốc có kho vũ khí hạt nhân lớn nhất châu Á
Hệ thống tên lửa S-400 của Nga |
Tờ Newsru (Nga) dẫn bản báo cáo của SIPRI cho hay, mặc dù số lượng vũ khí hạt nhân trên thế giới vẫn đang tiếp tục được cắt giảm nhưng các quốc gia đang sở hữu vũ khí hạt nhân lại đang trong quá trình tích cực hiện đại hóa các loại vũ khí này và chưa có dự định sẽ từ bỏ “bảo bối” này trong tương lai gần.
Các số liệu của SIPRI cho thấy tại thời điểm đầu năm 2017, tổng số lượng đầu đạn hạt nhân của 9 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân (gồm Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Israel và Triều Tiên) là gần 14.935 đơn vị. Con số này đã sụt giảm chút ít so với con số năm 2016 khoảng 15.395 đơn vị. Trong số này, các đầu đạn hạt nhân cấp chiến dịch là khoảng 4.150 đơn vị.
Các chuyên gia phân tích nhận định rằng, việc cắt giảm này được thực hiện chủ yếu là nhờ Mỹ và Nga, các quốc gia sở hữu 93% lượng vũ khí hạt nhân của toàn thế giới, tiếp tục cắt giảm kho vũ khí hạt nhân của mình. Tuy nhiên, dù Hiệp định về các biện pháp tiếp tục cắt giảm và hạn chế vũ khí tấn công chiến lược (START-3) có hiệu lực từ năm 2011 vẫn đang được thực thi nhưng quá trình này đang diễn ra với tốc độ khá chậm.
Mặc dù tiến hành cắt giảm kho vũ khí hạt nhân của mình nhưng cả Nga và Mỹ lại đang tiến hành các chương trình hiện đại hóa các hệ thống vũ khí hạt nhân của mình ở quy mô rất lớn với chi phí khá đắt đỏ. Điển hình là Mỹ dự định trong giai đoạn từ 2017-2026 sẽ chi khoảng 400 tỷ USD để duy trì và cải tiến các lực lượng hạt nhân của mình. Theo một số đánh giá ban đầu, chương trình hiện đại hóa các lực lượng hạt nhân của Mỹ trong vòng 30 năm tới có thể tiêu tốn đến gần 1 nghìn tỷ USD.
Trong bản báo cáo lần này, SIPRI cũng nhấn mạnh rằng các cường quốc hạt nhân ít sở hữu các kho vũ khí mang tính chất “áp đặt”. Tuy nhiên, các quốc gia này hoặc là đã bắt đầu triển khai các hệ thống vận chuyển vũ khí hạt nhân mới, hoặc là đã tuyên bố về việc có kế hoạch thực hiện bước đi này.
Mới đây, Trung Quốc đã bắt đầu khởi động chương trình hiện đại hóa mang tính chất dài hạn nhằm mục đích nâng cao chất lượng kho vũ khí hạt nhân của mình. Ấn Độ và Pakistan cũng đang tăng cường kho dự trữ vũ khí hạt nhân, đồng thời tích cực phát triển các hệ thống tên lửa của mình.
Triều Tiên cũng đang sở hữu số lượng đáng kể các nhiên liệu hạt nhân để sản xuất khoảng từ 10-20 đầu đạn hạt nhân. Điều này cho thấy tiềm lực hạt nhân của Triều Tiên đã được mở rộng đáng kể so với năm 2016.
“Mặc dù đã đạt được một số tiến bộ nhất định trong các cuộc đàm phán quốc tế về việc cấm vũ khí hạt nhân nhưng 9 quốc gia sở hữu loại vũ khí giết người hàng loạt này vẫn đang thực hiện các chương trình hiện đại hóa chúng một cách dài hạn. Điều này cho thấy chưa một nước nào trong số 9 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân này sẽ sẵn sàng từ bỏ chúng trong tương lai gần”- chuyên gia nghiên cứu Shannon Kail của SIPRI nhận định.
Tên lửa đạn đạo liên lục địa Topol-M của Nga |
Nước nào có nhiều vũ khí hạt nhân nhất?
Trong báo cáo của mình, SIPRI cho biết Mỹ đang sở hữu khoảng 6,8 nghìn đầu đạn hạt nhân (1,8 nghìn trong số này đã được triển khai, 2,2 nghìn trong số này đang nằm trong các kho chứa). Nga có khoảng gần 7 nghìn đầu đạn hạt nhân, trong đó có 1,95 nghìn đầu đạn đã được triển khai và 2,35 nghìn đầu đạn đang nằm trong các kho chứa. Anh có khoảng 215 đầu đạn (120 đã triển khai và 95 đang nằm trong kho), Pháp có 300 đầu đạn (280 đã triển khai và 10 đang nằm trong kho chứa), Trung Quốc có 270 đầu đạn và tất cả đều đã được triển khai, Ấn Độ có từ 100-130 đầu đạn và tất cả đều chưa được triển khai, Pakistan có từ 100-140 đầu đạn nhưng chưa được triển khai, Israel có 80 đầu đạn chưa được triển khai. Theo các đánh giá, Triều Tiên hiện có khoảng 10-20 đầu đạn hạt nhân (con số này chưa được kiểm chứng). Các đầu đạn đã được triển khai là các đâu đạn đã được lắp vào tên lửa hoặc nằm trong các căn cứ của các lực lượng tác chiến.
Theo các số liệu được công bố hồi tháng 1.2017, kho đạn hạt nhân của Anh có khoảng 215 đầu đạn, hơn nửa trong số đó đã sẵn sàng cho các hoạt động tác chiến nếu như xảy ra chiến tranh. Năm 2016, Quốc hội Anh đã bỏ phiếu ủng hộ chương trình hiện đại hóa các tàu ngầm được trang bị các tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân Trident.
Về phần mình, trong kho vũ khí hạt nhân của Pháp có khoảng 300 đầu đạn. Paris cũng đã đưa ra tuyên bố về các kế hoạch hiện đại hóa lực lượng hạt nhân của mình. Theo đó, đến năm 2035, Pháp dự định sẽ khai thác tàu ngầm hạt nhân thế hệ mới được trang bị các tên lửa đạn đạo.
Trong số các nước châu Á, Trung Quốc là quốc gia có kho vũ khí hạt nhân lớn nhất, thứ hai là Pakistan, tiếp đến là Ấn Độ.
Theo báo cáo của SIPRI, cường quốc hạt nhân khác ở châu Âu là Nga tính ở thời điểm đầu năm 2017, kho vũ khí hạt nhân đã kích hoạt của Nga có khoảng 4,3 nghìn đầu đạn, trong đó có gần 2,6 nghìn đầu đạn hạt nhân chiến lược, 1,85 nghìn đầu đạn hạt nhân chiến thuật. Trong số các đầu đạn hạt nhân chiến lược, có khoảng 1,95 nghìn đầu đạn đã được lắp vào các tên lửa đạn đạo và đưa đến kho bom của lực lượng ném bom chiến lược. Tất cả các đầu đạn hạt nhân phi chiến lược đều được bảo quản tại các kho trung tâm. Ngoài ra, còn gần 2,7 nghìn đầu đạn hạt nhân đã quá thời hạn sử dụng đang chờ được vô hiệu hóa.
Các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Nga thường xuyên được cải tiến. Hiện có khoảng 60% các tên lửa loại này đã được lắp đặt các đầu đạn hạt nhân.