Sinh viên Kinh tế hỏi xoáy giám đốc trẻ
Hôm qua (17/4), tại Hà Nội, hàng ngàn sinh viên ĐH Kinh tế Quốc dân, Ngoại thương, Bách khoa, Ngân hàng, Tài chính đã có buổi đối thoại trực tiếp rất thú vị cùng GS Cù Trọng Xoay và hai lãnh đạo trẻ nổi tiếng trong chương trình Chat với CEO.
Đặc biệt, sự có mặt của GS Cù Trọng Xoay – Đinh Tiến Dũng trong vai trò của một MC với những câu chuyện dí dỏm, hài hước khiến sinh viên có mặt tại hội trường thích thú.
Bên cạnh đó, chương trình còn thu hút các bạn sinh viên bởi sự có mặt của hai giám đốc trẻ thuộc Tập đoàn FPT Phạm Thành Đức và Hoàng Việt Anh. Đây là hai lãnh đạo trẻ, tài năng, giàu kinh nghiệm và rất gần gũi, dí dỏm.
Hội trường ĐH Kinh tế Quốc dân không còn chỗ trống. |
Trong chương trình, hai diễn giả đã chia sẻ những trải nghiệm thực tế của bản thân trong quá trình đi đến thành công. Điểm chung mà hai lãnh đạo đều chia sẻ đến các bạn sinh viên đó là trước mỗi thành công họ chủ yếu gặp những thất bại.
GS Cù Trọng Xoay, giám đốc trẻ Phạm Thành Đức và Hoàng Việt Anh (từ phải sang trái). |
Khi nói về vấn đề này, các lãnh đạo trẻ đã không ngại kể lại những thất bại đau đớn nhất của mình. Anh Hoàng Việt Anh nhớ lại vào khoảng năm 2010 khi được giao một dự án làm việc với một ngân hàng top 25 toàn cầu, với những thành công từ nhiều dự án trước, anh cùng các đồng nghiệp rất tự tin có thể “chén gọn” được dự án béo bở này. Nhưng sau 15 tháng tiến hành dự án, anh và 350 nhân viên đã tiêu tốn hơn 2 triệu USD tiền vốn mà vẫn không sản xuất được bất cứ sản phẩm nào.
Anh Phạm Thành Đức cũng chia sẻ đã từng làm công ty thua lỗ hơn 1 triệu USD chỉ trong vòng 9 tháng bởi dự án game online. Trước tương lai mịt mù của dự án này, lãnh đạo tập đoàn đã cân nhắc tới việc kết thúc. Điều đó đồng nghĩa với việc anh Đức sẽ phải rời bỏ vị trí mình đang đảm nhận.
Tuy nhiên, sau khi gặp phải những thất bại này, cả hai anh đều không từ bỏ mà tiếp tục xin cơ hội tìm con đường khác. Chính điều đó đã giúp họ lập công từ chính những vấp ngã và đem về hàng triệu đô la cho công ty.
Trong buổi giao lưu, các bạn sinh viên còn đặt rất nhiều câu hỏi với hai diễn giả xung quanh việc làm thế nào để “lấy lòng” nhà tuyển dụng trong buổi phỏng vấn.
Các sinh viên rất hào hứng đặt câu hỏi. |
Về vấn đề này, cả anh lãnh đạo trẻ đều cho rằng ngoài kiến thức chuyên môn được đào tạo, sinh viên khi ra trường cần phải có những kỹ năng mềm và biết làm việc nhóm, đặc biệt trước khi đi phỏng vấn cần phải tìm hiểu nhà tuyển dụng muốn gì để lên “kịch bản” tốt nhất.
Chia sẻ về buổi phỏng vấn đầu tiên của mình, anh Việt Anh kể lại: “Ngày xưa anh phỏng vấn cũng chỉ phải trả lời hai câu hỏi. Câu thứ nhất: Em biết ngôn ngữ lập trình nào. Câu thứ hai: Em có biết đá bóng không?. Không ngờ ngày đó được nhận vào vì trả lời là biết đá bóng còn ngôn ngữ lập trình Pascal anh sử dụng được nhưng công ty lại cần ngôn ngữ lập trình C”.
Bản thân cũng là những nhà tuyển dụng và quản lý nhân sự, hai anh cho biết khi phỏng vấn các ứng viên, các anh cũng thường hỏi những câu đơn giản như: “ Em là con thứ mấy trong gia đình. Em có phải ở xa nhà hay không. Một tuần em gọi điện hay viết thư về nhà mấy lần. Em có biết hát không?”.
Qua buổi giao lưu, anh Hoàng Việt Anh muốn gửi lời nhắn nhủ tới các bạn sinh viên: “Nhiều bạn sinh viên ra trường, đặc biệt là sinh viên CNTT đều muốn xây dựng sự nghiệp kinh doanh riêng. Điều này rất đáng khuyến khích, tuy nhiên các bạn nên cân nhắc thực lực của mình. Để thành công, cần thực sự yêu công việc, yêu nghề mình làm mà trong tình yêu có lúc hạnh phúc, nhưng có lúc cũng rất đau khổ”.
Còn anh Phạm Thành Đức chia sẻ: “Tôi nhìn thấy có rất nhiều cơ hội mới dành cho các bạn trẻ và tôi tin các bạn sinh viên có đầy đủ năng lực và tố chất để nắm bắt các cơ hội này. Các bạn cần phải hiểu rõ thế mạnh của bản thân, thành công không phải là chỉ có ý tưởng và “nằm chờ” cơ hội đến mà cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để biết cách nắm bắt và tự tạo cơ hội cho chính mình”.
An Hoàng