Siêu tiêm kích F-35 vừa ra mắt đã khiến Nhật Bản thất vọng tràn trề
F-35 trong tương lai sẽ là tiêm kích chủ đạo của không quân Nhật Bản. Ban đầu Bộ Quốc phòng Nhật Bản có ý định nhập khẩu 4 chiếc F-35 hoàn chỉnh, song sau đó nước này đã buộc phải nhập về các linh kiện được sản xuất ở nước ngoài của loại máy bay này.
Máy bay chiến đấu F-35 được công bố tại một nhà máy của hãng Mitsubishi Heavy Industries vào ngày 5/6. |
Mặc dù các doanh nghiệp trong nước đã yêu cầu được tham gia sản xuất một số phần của F-35, tuy nhiên hãng sản xuất F-35 Lockheed Martin trước đây đã không hợp tác, do đó Nhật Bản chỉ được phép lắp ráp các linh kiện của máy bay. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp Nhật Bản không hài lòng.
Trước đây, nhiều công ty Nhật Bản đã được lợi khi Mỹ và Nhật Bản cùng nhau hợp tác phát triển máy bay F-2, loại phi cơ chiến đấu chính của Không quân Nhật Bản vào thời điểm hiện tại. Khi đó, các linh kiện của máy bay cần phải được thay thế đều đặn, và nhờ sự xuất hiện của nhu cầu này, các công ty Nhật Bản không những thu về một khoản lợi nhuận lớn, mà còn có được những công nghệ quan trọng.
Thế nhưng, năm 2011 máy bay F-2 đã bị ngừng sản xuất, khiến nhiều công ty sản xuất linh kiện máy bay buộc phải rời bỏ ngành công nghiệp quốc phòng. Trong quá trình chọn lựa máy bay chiến đấu tiếp theo, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã xem xét những điều kiện để cho phép các doanh nghiệp trong nước có thể tham gia vào quá trình sản xuất máy bay chiến đấu thế hệ mới.
Sau cùng, Nhật Bản sẽ chỉ được phép lắp ráp máy bay F-35. Mặc dù Bộ Quốc phòng Nhật Bản có kế hoạch để các công ty Nhật Bản tham gia sản xuất các phần của thân máy bay, song vì nhiều lý do khác nhau nó đã không trở thành hiện thực. Nói cách khác, F-35 không giúp thúc đẩy nền công nghiệp quốc phòng và hàng không của Nhật Bản.
Hiện tại, Bộ Quốc phòng Nhật Bản có ý định mua về 42 máy bay F-35, trong số này 4 chiếc sẽ được nhập khẩu nguyên vẹn. Các hãng sản xuất linh kiện cho các loại máy bay tàng hình tối tân như F-35 đều cần có giấy phép đặc biệt, như vậy khả năng Nhật Bản sẽ được chuyển giao công nghệ của F-35 là rất khó có thể xảy ra.
Nền công nghiệp hàng không của Nhật Bản đã phát triển rất nhanh kể từ sau Thế chiến II. Sau bảy năm chịu lệnh trừng phạt của phe Đồng minh, Nhật Bản bắt đầu mua về các công nghệ nhằm bảo dưỡng và sửa chữa, cũng như sản xuất linh kiện cho các máy bay chiến đấu Mỹ đóng tại đất nước này.
Tuy nhiên, ngành công nghiệp hàng không Nhật Bản đang gặp khó khăn. Các công ty hiện đang phụ thuộc rất nhiều vào các máy bay của hãng Boeing, song trong thời gian gần đây hãng này không còn đặt hàng nhiều từ Nhật Bản nữa.
Trong khi đó, nhiều công ty đã đặt hi vọng vào máy bay Mitsubishi Regional Jet, phi cơ đầu tiên do Nhật Bản chế tạo sau hơn nửa thế kỷ, hiện đang gặp khó khăn trong việc phát triển. Có thể thấy rằng, nhiều công ty Nhật Bản đã mơ ước biến mình từ các hãng chế tao linh kiện thành các nhà sản xuất máy bay, song giấc mơ này vẫn chưa thể trở thành hiện thực.